Những con đường hoang vắng trong rừng Sác. |
Vùng đất Cần Giờ xa xưa nổi danh với cảnh "cọp rình trên bờ, cá sấu lăm le dưới nước", mấy thập kỷ trước là nơi che giấu bộ đội, du kích thời chống Mỹ, nay trở thành điểm đến du lịch sáng giá của TPHCM. Năm 2000 UNESCO công nhận Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Mỗi năm, vùng đất này thu hút 40- 50 vạn khách du lịch.
Rừng Sác vang bóng một thời
Cần Giờ rộng trên 70.400ha với hơn 23.000ha mặt nước, có hai sông Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát… Vùng ngập mặn chiếm 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo. Thực vật trong vùng chủ yếu là cây đước, mắm, bần. Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích TPHCM và là huyện ven biển duy nhất của thành phố.
Nói đến Cần Giờ, không ít người nghĩ ngay đến rừng Sác, địa danh in dấu một thời kháng chiến khói lửa. Xưa kia, khi chưa bị chiến tranh tàn phá, hầu hết loài thú rừng nhiệt đới đều có mặt ở rừng Sác. Người ta nói rằng hồi đó, đêm đêm dân chài thường nghe cọp gầm văng vẳng ở phía sông Tiền, Rạch Lá, giồng Chùa…
Bóng dáng chúa sơn lâm vẫn còn quanh quất với sự tồn tại của một xóm với hỗn danh xóm ăn thịt, ở xã Tam Thôn Hiệp, thực chất là một cù lao. Hồi xưa vùng này nổi tiếng với câu ví "sâu rạch lá, hạm ăn thịt" (dân trong vùng gọi hổ là con hạm). Phường săn kể rằng, có một lần hạm nhảy xuống ghe tát chết người chồng rồi lôi người vợ lên bờ xé xác ăn thịt.
Câu cá trên cầu Dần Xây. |
Một loài vật tợn tướng khác của rừng Sác là trăn nước. Thời kháng Pháp, các chiến sĩ ta từng được chứng kiến những đêm giao chiến ác liệt giữa heo rừng với trăn nước. Con vật hiếm hoi này chỉ xuất hiện từng cặp vào những ngày lũ lên, nước ngập lâu ngày. Các trận đánh giữa heo rừng và trăn nước thường xảy ra trên các gò cao. Sáng ra, trên bãi chiến trường, cây cối tơi tả, xác heo rừng hoặc xác trăn nằm lăn lóc…
Với độ sâu 9 - 12m, có nơi 20 - 29m, sông Lòng Tàu cho phép tàu trọng tải hàng chục ngàn tấn đi qua. Trước đây, Mỹ, ngụy định chuyển con đường tàu bè nước ngoài vào cảng Sài Gòn bằng đường sông Soài Rạp vì có mấy cái lợi: Sông ngắn, rộng, ít quanh co, quân giải phóng khó tấn công tàu hàng quân sự.
Những căn nhà còn đơn sơ của dân địa phương. |
Thế nhưng, lòng sông Soài Rạp cạn và tốc độ lấp cạn của dòng sông khá nhanh, khiến Mỹ phải bó tay dù phương tiện nạo vét của Mỹ thời đó đã rất hiện đại. Mỹ, ngụy buộc phải sử dụng lại đường sông Lòng Tàu. Và những trận chiến oai hùng của đặc công rừng Sác đã diễn ra trên con sông này.
Năm 1964, tàu US Card chở máy bay, trọng tải 16.500 tấn , thuộc dạng lớn nhất thời bấy giờ, đi ngang qua đây. Nhưng tàu có vào mà không có ra. Ngày 2-5-1964, một nhóm biệt động của ta dùng thuốc nổ đánh chìm, kéo xuống đáy sông 21 trực thăng, hai máy bay trinh sát L19, một máy bay khu trục AD6 và 50 lính thủy Mỹ. Từ đó, quân Mỹ bỏ ý định đưa tàu trên 15.000 tấn dẫn xác vào Sài Gòn.
Tính ra, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác đánh chìm và đốt cháy hàng trăm tàu giặc, trong đó có nhiều tàu vận tải quân sự lớn, trọng tải hàng chục ngàn tấn.
Khỉ trong khu du lịch sinh thái Cần Giờ. |
Khỉ khắp nơi
Tuyến đường Rừng Sác thông xe đã rút ngắn lộ trình từ nội thành TPHCM - Cần Giờ còn 65 km và đây là cơ hội lớn để huyện xa nhất TPHCM phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bám theo tuyến đường, hàng loạt khu du lịch, resort đã hình thành: Khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam, khu du lịch Vàm Sát, Cần Giờ…
Chuyện kể rằng, xưa kia, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi nên trốn về đây. Thấy dân vạn chài không có đồng hồ xem giờ giấc mỗi khi ra biển, chúa chế tạo công cụ báo giờ với một lu nước, giữa lu cắm cái cần có khắc giờ. Nước được dẫn chảy từng giọt vào lu, ngập đến vạch nào là báo đến giờ đó. Sau này khi lên ngôi, chuẩn theo ước nguyện của dân vạn chài nơi này, vua Gia Long đặt tên cho vùng đất này là Cần Giờ… |
Đảo khỉ thuộc khu du lịch sinh thái Cần Giờ. Khỉ đuôi dài có mặt khắp nơi, trên cây, ven đường, trong chuồng, và rất dạn người, sẵn sàng nhảy vô cướp điện thoại di động của du khách rồi vọt lên cây vừa nghịch vừa trêu ngươi…
Để tái hiện cảnh hoang vu, dữ dằn xưa kia của vùng rừng Sác - Cần Giờ, chủ khu du lịch cho bố trí những bàu cá sấu hàng trăm con lớn nhỏ, con sưởi nắng trên cạn, con ngâm mình như khúc cây cổ thụ dưới bàu.
Nếu chán xem xiếc khỉ, câu cá sấu, du khách có thể du ngoạn các bãi biển của Cần Giờ. Hình thành sớm nhất ở Cần Giờ, nơi dân cư chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, có lẽ là bãi biển 30-4, nhưng nếu đã tắm biển ở Nha Trang, Phan Thiết hay Vũng Tàu rồi thì biển Cần Giờ sẽ làm du khách có đôi chút thất vọng.
Cát ở đây đen đến nỗi có thơ vui rằng: "Tây Ninh có núi Bà Đen/Cần Giờ cát biển còn đen hơn Bà". Còn nếu không muốn tắm biển, du khách có thể đến Ghềnh Rái, nằm ngay thị trấn Cần Thạnh, nơi có thể nhìn thấy núi Lớn, núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu xa xa.
Ghềnh Rái là nơi lý tưởng để trải nghiệm cảm giác mạnh, buông câu giữa cơ man sóng bạc đầu đánh ầm ầm vào bãi đá. Nếu muốn câu cá ở những nơi yên bình hơn, có thể tìm đến khu vực cầu Dần Xây (dân địa phương gọi là cầu Xây Dần Dần vì một thời chậm trễ tiến độ). Nếu may mắn, du khách có thể kiếm được vài chú cá chẽm, cá dứa mà mỗi chú nặng 3-4kg…