Cần giám sát tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ những lùm xùm về khả năng thanh toán, trả nợ trái phiếu vừa qua của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, không hẳn những trái phiếu có tài sản đảm bảo có ít rủi ro hơn. Cơ quan quản lý cần giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là bất động sản.

Thông tin đưa ra tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” do VnEconomy, Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức mới đây. Ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Khối xếp hạng và Nghiên cứu VIS Rating - nhận định, làn sóng trái phiếu chậm trả phát sinh mới đang giảm dần.

“Những doanh nghiệp yếu kém đã bộc lộ từ trước, tín nhiệm thị trường được cải thiện. Tình hình doanh nghiệp cũng tốt hơn, có dòng tiền để trả nợ gốc, lãi”, ông Duy nhận định.

Bên cạnh đó, tổng quy mô trái phiếu lưu hành dần ổn định nhờ phát hành mới hồi phục. Tuy nhiên, giá trị phát hành mới vẫn thấp hơn tổng lượng đáo hạn, mua lại trước hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt tận dụng lãi suất thấp để gia tăng mua lại trái phiếu trước hạn

Dù kỳ vọng thị trường sẽ có bước phát triển, tiến vào chu kỳ mới từ năm 2024, nhưng ông Duy cũng cho rằng, điểm nghẽn về minh bạch, phân hoá rủi ro, xác định giá trái phiếu, hay thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.

Cần giám sát tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ảnh 1
Các doanh nghiệp có thể sử dụng chứng khoán, bất động sản hay dự án hình thành trong tương lai để làm tài sản đảm bảo.

Cụ thể, mức độ minh bạch thông tin và chất lượng của các đợt phát hành còn yếu. Theo thống kê của VIS Rating, có 20% các doanh nghiệp trên thị trường không có hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Những doanh nghiệp này sẽ gặp vấn đề về minh bạch thông tin và khả năng trả nợ kém hơn doanh nghiệp khác với tỷ lệ chậm trả lên đến 38%.

Đặc thù rủi ro của từng loại hình trái phiếu cũng chưa có sự phân hoá rõ ràng, 67% trái phiếu trên thị trường không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, không hẳn những trái phiếu có tài sản đảm bảo có ít rủi ro hơn. Nhiều tài sản đảm bảo không có khả năng thanh khoản, chuyển đổi thành tiền để khi xảy ra rủi ro cho trái chủ. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chứng khoán, bất động sản hay dự án hình thành trong tương lai để làm tài sản đảm bảo.

“Cũng có trường hợp bảo lãnh của bên thứ 3 là cá nhân hoặc doanh nghiệp hoặc công ty mẹ. Như hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được bảo lãnh bởi công ty mẹ, khi hệ thống có vấn đề, việc bảo lãnh cũng không có giá trị”, ông Duy nhấn mạnh.

Cần giám sát tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ảnh 2

Bà Thái Thị Quỳnh Như đề xuất cơ quan quản lý giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là bất động sản.

Dù có tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chỉ ra, vẫn có một số doanh nghiệp mất khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra. “Một tập đoàn trước khi có biểu hiện nguy hiểm thì đều đưa ra lãi suất huy động trái phiếu cực kỳ cao, có thể lên tới 12%/năm hoặc hơn thế. Tôi nghĩ không có một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có được lãi suất khủng như thế", bà Như nói.

“Cơ quan quản lý cần giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là bất động sản", bà Như kiến nghị.

Vì thiếu tham chiếu để xác định giá trái phiếu doanh nghiệp, nên theo ông Duy, nhà đầu tư vẫn đang dò dẫm để định giá. Ngoài ra, sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp dài hạn còn ít, thị trường chưa có sự phát triển về chiều sâu.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Cường, nhận định, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018-2021, từ khi khủng hoảng thị trường trái phiếu xảy ra vào năm 2022, thị trường vẫn chưa có chiều hướng đi lên.

"Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp nhưng với tình hình hiện nay, mục tiêu đến năm 2025, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu khoảng 20% GDP là khó. Đến năm 2030, mục tiêu dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt được 25% cũng rất khó”, ông Cường nói.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.