Cần có chính sách phát triển thị trường bán lẻ

Cần có chính sách phát triển thị trường bán lẻ
TP - Một số chuyên gia cho rằng cần điều chỉnh chính sách phân phối, bán lẻ để giúp doanh nghiệp trong nước tồn tại trước làn sóng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lâu nay Nhà nước ít chú trọng phát triển thị trường nội địa và hệ thống phân phối ở thị trường nội địa. Gắn với thị trường nội địa nhiều nhất là DN và những người sản xuất VN trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng đây cũng chính là những lĩnh vực phần nào bị buông và bỏ trống cho các DN nước ngoài.

Mặt khác, VN liên tục hạ thấp hàng rào kỹ thuật trong nước để mở rộng thị trường cho hàng nước ngoài thâm nhập theo các cam kết mậu dịch tự do mà VN đã ký với các nước.

Theo bà Lan, điều này cũng có cái tốt, vì có mở cho họ thì họ mới mở cửa thị trường cho mình. Nhưng khi mở, chúng ta không kiểm soát tốt dẫn đến những vấn nạn cho DN và người tiêu dùng trong nước. Ví dụ như hàng kém chất lượng từ Trung Quốc tràn vào, gây hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến DN trong nước. “Điều này rất cần chấn chỉnh”- bà Lan nói.

Tại hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp” diễn ra chiều qua tại TPHCM, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, thị trường bán lẻ trong những năm tới sẽ không còn mức tăng trưởng trên 10% như trước đây.

Nhà nước cần thay đổi chức năng, cách thức quản lý để phục vụ DN tốt hơn. Để cơ quan nhà nước làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình, DN nghiên cứu xem những quy định nào cản trở hoạt động kinh doanh bán lẻ để kiến nghị sửa đổi, rồi thay đổi cách làm, cách quản lý để có thể cải thiện nền tảng về chính sách, đây là yếu tố có tính tác động lâu dài, ông nói.   

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, các DN thành viên cũng đã kiến nghị các bộ, ngành ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho thị trường bán lẻ.

“Nhà nước cần quan tâm và khẳng định vai trò thiết yếu của tiêu thụ trong chuỗi giá trị, bởi có khâu phân phối tốt thì sản xuất mới phát triển”, bà Hạnh nói.

Đồng thời, cần tiếp tục ngăn chặn, xử lý những trường hợp gian lận ảnh hưởng người làm ăn chân chính, tạo môi trường cạnh tranh công bằng. Nhà nước nên để cho DN cùng làm xúc tiến thương mại, để cho Hiệp hội đấu thầu các chương trình xúc tiến, bà Hạnh nói.

MỚI - NÓNG