Ẩn hoạ trên cao
Dù đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến cẩu tháp tại các công trình xây dựng, nhưng nhiều công trình nằm trong khu dân cư, đường giao thông lại liên tục để tay cần cẩu và phần bê tông đối trọng lơ lửng trên đầu người dân.
Gần đây nhất, chiếc cần cẩu đang nâng hàng ngay sát nhà người dân bất ngờ tay cẩu gãy gập xuống làm nhiều đoạn tại công trình do Cty Cổ phần đầu tư và dịch vụ Hà Nội làm chủ đầu tư ở số 493 Trương Định (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), khiến nhiều người vẫn chưa hết lo lắng.
Thời gian gần đây, công trình vẫn thường xuyên để tay cẩu vươn ra ngoài khu dân cư, lơ lửng trên đầu người dân. Nhiều người còn phản ánh, công trình này thi công cả ban ngày lẫn ban đêm, ảnh hưởng đến đời sống của họ. “Sau lần gãy cần cẩu gần đây tôi cảm thấy rất sợ, nhưng không biết chuyển đi đâu. Thi thoảng lại thấy tay cẩu đưa ra ngoài nằm trên nóc nhà” - bà Trần Thị Lý (75 tuổi, ở đường Trương Định) nói.
Cần cẩu Cty CP đầu tư xây dựng Xuân Mai nằm lơ lửng trên đường Nguyễn Xiển.
Ngoài công trình trên, PV còn ghi nhận nhiều công trình xây dựng chung cư, văn phòng trên các đường Nguyễn Xiển (huyện Thanh Trì), Cầu Giấy, Duy Tân (quận Cầu Giấy)... phần đuôi cần cẩu lắp bê tông đối trọng nặng cả chục tấn treo lơ lửng ngoài đường, tay cẩu liên tục đưa ra phía ngoài phạm vi xây dựng mà không có cảnh báo hay công nhân canh gác.
Nếu kiểm tra, 50% vi phạm
Ông Bạch Quốc Việt (Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, trước khi cẩu tháp được đưa vào hoạt động, các đơn vị phải có biện pháp đảm bảo an toàn, vẽ sơ đồ bố trí lắp đặt, xây dựng biện pháp an toàn trong thi công để trình Sở Xây dựng; sau khi lắp đặt phải kiểm định an toàn và khai báo với Sở LĐ-TB&XH.
“Cẩu tháp chỉ được phép hoạt động trong hàng rào công trình, nếu vượt ra ngoài là vi phạm do không đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư và đường giao thông. Sở Xây dựng phê duyệt cần cẩu hoạt động từ 22h đến 6h để giảm thiểu tai nạn và phải có người cảnh giới. Nhưng trên thực tế, nếu thực hiện đúng theo quy định thì có tới 50% công trình phải dừng hoạt động ” - ông Việt nói.
Cần cẩu lơ lửng trên đầu người dân tại ngã tư Duy Tân - Trần Thái Tông.
Một chiếc cần cẩu đặt sát vỉa hè trên đường Cầu Giấy khiến phần bê tông đối trọng lơ lửng bên ngoài hàng rào công trình.
Theo ông Việt, nếu không muốn cẩu tháp vươn ra bên ngoài thì phải chuyển cẩu tháp vào giữa công trình nhưng lại làm tăng chi phí hoặc thay đổi cẩu có độ dài ngắn khác nhau. Các sự cố đổ, gục cẩu là do đế móng không đảm bảo và do người đánh tín hiệu xi nhan còn nếu quá tải rơ le tự ngắt cẩu không hoạt động. Công nhân điều khiển cẩu phải được đào tạo trong trường dạy nghề, học chứng chỉ, có thẻ an toàn lao động và sức khỏe tốt,...
“Chủ yếu những chiếc cần cẩu này có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc,… hầu hết các công trình này đều đi thuê cẩu và người điều khiển. Từ đầu năm đến nay, sau khi kiểm tra khoảng 30 công trình sử dụng cẩu tháp trên địa bàn Hà Nội có gần 10 công trình bị đình chỉ liên quan đến người lái cẩu tháp” - ông Việt nói.