Học nhờ...
Đông Hải là một trong những xã nghèo, nằm ven biển, muốn đến Đông Hải phải qua 2 bến phà. Cô Trần Thị Hằng–Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Hải cho biết, trường có 1 điểm chính và 4 điểm phụ, gồm 7 lớp với khoảng 240 học sinh. Đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định và phụ huynh không có điều kiện đưa trẻ đi học ngày hai buổi, trong khi trường không có giáo viên nên không tổ chức cho trẻ học bán trú. Với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều giáo viên xin nghỉ hoặc xin chuyển trường. Vì vậy, hiện trường còn trống 2 phòng học nhưng do không có giáo viên để dạy, dù năm học này lại tăng 59 trẻ so với năm trước.
Trong Trường tiểu học Đông Hải C có một phòng học vừa mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm học này. Đây là điểm học phụ của điểm Trường mầm non Đông Hải với hơn 32 học sinh. Cô Nguyễn Thị Như cho biết, phòng học xây mới tuy khang trang nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi của các em. Cô Như phải dạy 2 buổi mỗi ngày. Nhà cách xa trường 15 km và qua đò, nên mỗi ngày cô phải mang theo thức ăn và nghỉ trưa tại trường. Anh Nguyễn Hữu Phong, ngụ ấp Phước Thiện (xã Đông Hải) có con đang học tại đây, cho biết: “Nhà tôi nằm sâu trong đồng, cách trường hơn 3km. Hằng ngày, nếu trời nắng thì việc đưa, rước con đi học bằng xe máy rất dễ, hễ trời mưa to đường sình lầy xe chạy không được tôi phải cõng con đến trường. Có hôm bận việc, tôi phải gửi con cho các phụ huynh có con học cùng lớp đưa đi”.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duyên Hải Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, không chỉ các trường tiểu học, ngay cả cấp THCS cũng có điểm lẻ phải xin học tạm ở các trường khác. Cụ thể, Trường THCS Đông Hải hiện có một lớp 6 (14 em) phải học tạm tại điểm Trường tiểu học Phước Thiện vì điểm chính của trường này khá xa, phải qua phà.
Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, cơ sở vật chất tại tỉnh này còn nhiều thiếu thốn, điểm lẻ vẫn còn nhiều, nhất là tiểu học và mầm non. “Phòng học cơ bản được đáp ứng thôi, còn thiếu các phòng chức năng. Không còn nhà tạm, trường học tre lá thì cũng hết rồi, nhưng chuyện học nhờ thì vẫn còn, chủ yếu là mầm non học nhờ tiểu học” - bà Hằng nói.
Trường, lớp xuống cấp
Trường tiểu học Đông Hải C nằm nép dưới đoạn đê bao phòng hộ. Đê được khởi công xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở khiến nắng bụi bay mù trời, mưa phải xắn quần lội. Cô Nguyễn Thị Tố Xuân - Phó Hiệu trưởng cho hay, ngôi trường này được xây cách đây 10 năm, nay đã xuống cấp, hư hỏng và tường có nhiều vết nứt. “Mưa lớn là bị dột ướt hết cả phòng, điều kiện cơ sở vật chất cũng thiếu” - cô Xuân nói.
Cũng theo cô Xuân, hiện nay trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng như Tin học, Anh văn. Bàn ghế cũng thiếu, phải xin tạm ở các điểm trường khác cho các em học. Hiện tại, trường đang thiếu giáo viên dạy thể dục, Anh văn, tổng phụ trách đội, cán bộ thư viện và giáo viên chủ nhiệm. Các giáo viên chủ nhiệm lớp phải đứng ra dạy luôn môn thể dục.
Bà Lê Kim Hương - Phó chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết, hiện toàn tỉnh không còn phòng học tranh tre, lá, nhưng thiếu nhiều các phòng học chức năng như phòng thiết bị, thí nghiệm…
Trong khi đó, theo ông Trần Mê Ly - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), việc thực hiện đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đang gặp khó khăn, nhất là thiếu quỹ đất. Hiện toàn huyện có hơn 41% trường đạt chuẩn (mục tiêu năm 2020 đạt gần 80%) với 28 trường đạt chuẩn, song từ nay đến năm 2020 sẽ rất khó khăn...
Theo Bộ GD-ĐT, cả vùng ĐBSCL còn thiếu nhiều phòng học mầm non, phòng học xuống cấp còn nhiều. Tính đến năm 2015, toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ mượn, thiết bị đào tạo chậm được đầu tư, đổi mới...
Thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển
Thiếu giáo viên (GV) nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học và THCS là tình trạng chung của nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL.
Phụng Hiệp là huyện nghèo và rộng nhất tỉnh Hậu Giang. Đây cũng là nơi thiếu GV nhiều nhất. Ông Trần Mê Ly–Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, toàn huyện có 68 trường học với gần 35.000 học sinh từ mầm non đến THCS. Từ năm 2012 đến nay, biên chế GV không tăng, trong khi số lượng học sinh tăng hàng năm. Năm học 2017-2018 toàn huyện thiếu 437 GV và nhân viên, trong đó bậc mầm non thiếu 188 GV, tiểu học thiếu 95 GV và THCS thiếu 36 GV.
Để giải quyết tình trạng thiếu GV, Phòng GD&ĐT xin chủ trương hợp đồng GV. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, đời sống khó khăn khiến không ít GV hợp đồng phải bỏ nghề. Thầy Trịnh Minh Luân, GV hợp đồng Trường tiểu học Hiệp Hưng 2 (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) cho biết mỗi tháng chỉ nhận được mức lương khoảng 2 triệu, ngoài ra không có thêm khoản nào; trong khi đi lại từ nhà đến trường là 20km, cuộc sống, sinh hoạt rất khó khăn...
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết toàn tỉnh hiện thiếu 944 GV, trong đó bậc mầm non thiếu 640, tiểu học thiếu 216 và THCS thiếu 88 GV. Nguyên nhân thiếu, theo bà Hằng, do số học sinh tăng hàng năm, số lượng trường mới thành lập cũng tăng, trong khi biên chế không tăng, thậm chí giảm kể từ năm 2013 đến nay. Để giải quyết tình trạng này, mỗi năm tỉnh đã phải chi khoảng 30 tỷ đồng để trả lương cho GV hợp đồng.
Nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng thiếu GV nghiêm trọng. Ông Nguyễn Minh Luân - GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, theo định mức, tỉnh Cà Mau thừa 230 người, nhưng lại thiếu 1.622 GV. “Thiếu GV nhưng không thể tuyển vào biên chế vì qui định của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT không gặp nhau nên gây khó cho địa phương. Chúng tôi phải hợp đồng hơn 1.300 GV nhưng không thể tuyển vào biên chế vì vượt qui mô biên chế cho phép” - ông Luân nói.
Kỳ-Huy-Hưng