Theo ông Đào Trọng Giao, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), chắt nội của Tổng đốc Đào Trọng Kỳ, ngôi nhà được cụ ông xây dựng vào những năm 1890 trên nền nhà cũ của các cụ để lại. Gỗ lim khai thác từ Quảng Ninh, sau đó đóng bè chuyển về bằng đường sông. 3 bậc tam cấp chạy dài suốt mặt tiền nhà được ghép bằng các tảng đá xanh tự nhiên nguyên khối.
Tường nhà được xây bằng gạch đất nung bản mỏng, kích thước mỗi viên gạch dài tới 40 cm, rộng ngang 30 cm. Đặc biệt, công trình xây toàn bằng vôi, cát, không có xi măng, sắt thép.
Không chọn ngói hài, cụ Kỳ chọn ngói mũi để lợp mái nhà. Đây là loại ngói phổ thông ở các vùng quê.
Bên trong ngôi nhà là 4 hàng cột lim ngang, mỗi hàng 6 cột và 3 hàng cột lim dọc.
Chống quanh nhà hơn 30 cây cột gỗ lim có đường kính 40 cm mỗi cột chân đế là đá tảng lớn.
Tất cả cột, kèo, vì trái, vì phải được liên kết với nhau bằng mộng. Để tạo điểm nhấn cũng như sự mềm mại cho công trình, chủ nhân cho chạm khắc hoa văn cỏ cây, sóng nước tại các điểm ghép nối cột và xà ngang.
Các đòn bẩy đỡ mái hiên...
...và thềm cửa thông suốt 5 gian trước nhà đều có hoa văn tinh xảo.
Sau hơn 100 năm phơi nắng mưa, 5 gian cửa đại bằng gỗ vàng tâm đã ngả màu, hiện rõ sự "già nua".
Chân dung quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ cùng phu nhân được thờ trong nhà. Sau ngày giải phóng, ngôi nhà bị trưng dụng thành nơi hội họp, đấu tố nhà giàu, con cháu Tổng đốc rơi vào cảnh cơ hàn. Theo ông Giao, những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lưu giữ từ đời này qua đời khác trong ngôi nhà bị lấy đi hết.
Tổng đốc Đào Trọng Kỳ (1839-1914) là người đã bỏ tiền, huy động sức dân đào sông Chanh Dương dài 23 km dẫn nước ngọt từ nhánh sông Hồng, giúp huyện Vĩnh Bảo thoát cảnh hạn hán, ngập lụt, đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp và cung cấp nguồn nước sinh hoạt. Công đức này được chính quyền và người dân địa phương lập văn bia ghi lại. Sau thời gian thất lạc trong dân, tấm bia được con cháu cụ tìm thấy, di chuyển về đặt trước cửa nhà.