Cây lộc vừng cổ thụ tọa lạc trên phần đất của ông Lê Văn Út và một phần nhánh lan sang phần đất của ông Lê Bé Ba giáp ranh. Những người cố cựu, cho rằng cây lộc vừng cổ thụ này có hàng trăm năm gắn liền với sự hình thành từ khời khẩn hoang của vùng đất Nam Bộ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, 55 tuổi có nhà gần cây lộc vừng, cho biết: “Ngay từ nhỏ tôi đã thấy cây lộc vừng này sừng sững ở ngoài vườn. Tôi nghe những lão cao niên kể lại cây này có mặt từ lâu lắm chứ không ai biết được chính xác từ khi nào”.
Theo ông Dũng, thời kháng chiến chống Mỹ, cây lộc vừng bị trúng bom ngay giữa phần thân cây nên phần gốc đã bị thủng một lỗ rất to. Tuy nhiên, cây vẫn có sức sống mãnh liệt, nhánh ngày càng vươn rộng.
Bên gốc cây lộc vừng cổ thụ này từ xa xưa có miếu thờ, vào ngày 16/3 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ cúng có múa, hát đàn ca tài tử mang đậm nét văn hóa của người dân Nam Bộ.
Hiện tại, cây lộc vừng cổ thụ có chiều cao khoảng 22 m, chi vi gốc 8m và tán rộng gần 100 m2. Cứ sau Tết Nguyên đán cây thay lá và tới tháng 3 âm lịch, đúng dịp lễ cúng cây lại xanh tốt, ra hoa rất đẹp mắt.
Sau khi phát hiện cây quý, UBND tỉnh Hậu Giang đang có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và đang làm thủ tục để được đề nghị công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây lộc vừng cổ thụ có chiều cao 22 m, tán rộng
Phần gốc cây mẹ đã chết nhưng 2 bên nhánh tiếp tục phát triển
Dưới gốc cây cổ thụ có nhiều cây con đâm chồi, phát triển.
Kế bên cây lộc vừng là miếu thờ được người dân tổ chức lễ cúng vào ngày 16/3 âm lịch.