TPO - Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ thuỷ lợi ở Kon Tum cạn trơ đáy. Hàng trăm héc-ta (ha) cây trồng héo rũ. Người dân phải sử dụng nước bị nhiễm bùn để tưới cho cây trồng.
Hồ thuỷ lợi thôn Bình Minh (còn gọi là hồ C3) ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà có sức chứa 370.000m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200ha cây trồng trên địa bàn thôn này. Thời điểm này, hồ đã cạn trơ đáy
Hàng chục máy bơm tưới của người dân ngày ngày túc trực bên lòng hồ C3. Các hộ phải luân phiên chia ca theo tiếng để bơm nước về vườn cà phê của gia đình.
Theo người dân tại thôn Bình Minh, có nước tưới cây là tốt, tuy nhiên, việc bơm nước từ lòng hồ bị nhiễm bùn cũng trực tiếp ảnh hưởng đến cây trồng.
Ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết, nắng nóng gần 40 độ C kéo dài, hồ C3 cạn kiệt nước, khiến một số diện tích cây cà phê và hoa màu trên địa bàn bị ảnh hưởng. Từ đó, cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.
Hàng trăm héc-ta cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà đã xuất hiện tình trạng cháy lá, khô cành và quả non.
Gia đình ông Cao Đăng Tuyên (trú xã Hà Mòn) hiện đang có 500 cây cà phê. Ông Tuyên cho hay, mùa khô các năm trước, gia đình chỉ tưới cà phê 3 đợt. Nhưng năm nay, ông đã tưới đến đợt thứ 5 vẫn chưa đến mùa mưa. Cứ theo đà này, ông sẽ phải tưới thêm đợt thứ 6, có khi lên tới đợt 7, 8.
Tại hồ thuỷ lợi xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), có nhiều máy bơm chờ trực tới lượt bơm nước
Một kênh dẫn nước từ hồ thuỷ lợi xã Sa Bình đã cạn kiệt nước từ lâu
Hồ trữ nước tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) cũng gặp tình trạng khô cạn
Theo một số hộ dân ở đây, họ sẽ ưu tiên cho những diện tích cà phê bị khô cháy lấy nước trước để tránh cạn kiệt nguồn nước còn rất ít trong hồ.
Theo ông Nguyễn Tiến - hộ dân trồng cà phê lâu năm tại xã Sa Bình, chưa có năm nào như thời tiết năm nay. Nắng nóng kéo dài khiến ai nấy đứng ngồi không yên.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần, duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Nghiêm trọng là sông Đăk Bla, đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP.Kon Tum, lưu lượng nước thấp hơn từ 40-65%.
"Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước trên 1.770ha (diện tích lúa là 780 ha, cây cà phê là 990 ha)", UBND tỉnh Kon Tum cho hay.