Theo ghi nhận của Tiền Phong vào sáng ngày 19/2, sau khi bơm cạn nước phần đáy ao nhà ông Đào Văn Đến xuất hiện 13 cọc gỗ cắm sâu dưới lớp bùn.
Trong số 13 cọc phát lộ có 3 cây cọc nằm thẳng đứng, nhô lên cao khoảng 20 – 30cm so với mặt bùn đáy ao.
Cụ thể từ ngày 18/2 đến ngày 31/3, UBND TP.Hải Phòng cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến (diện tích khai quật 400m2)
Cũng theo thông tin từ UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, địa phương đang phối hợp cơ quan chức năng tiến hành khai quật khu vực phát hiện cọc theo chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng. Đồng thời, có đề xuất UBND TP.Hải Phòng về phương án bảo quản, hỗ trợ gia đình phát hiện cọc gỗ có thể liên quan đến trận chiến sông Bạch Đằng. Bên cạnh đó, UBND huyện Thủy Nguyên sẽ hỗ trợ toàn bộ số tiền nuôi trồng thủy sản ở ao cá trong năm 2020 cho gia đình ông Đến.
Như Tiền Phong đã thông tin trước đó theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), gia đình ông Đào Văn Đến (trú tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau khi bơm nước để thu hoạch cá đã phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao vào ngày 9/2. Ngay sau đó, gia đình ông Đến đã báo tin tới cơ quan chức năng địa phương. Đến ngày 12/2, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, các chuyên gia đã tổ chức khảo sát khu vực bãi cọc tại ao nhà ông Đào Văn Đến. Theo đó, khu vực phát hiện cọc gỗ nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Thời điểm khảo sát, một số cọc có dấu hiệu bị hủy hoại như: các đầu cọc bị chặt bằng, một số cọc nằm trong bờ kè đá. Việc phát hiện bãi cọc tại ao nhà ông Đền theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu mang ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288.