Cán bộ xin từ chức, Bộ trưởng sẽ quyết định

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh Như Ý
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh Như Ý
TPO - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chiều 22/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Báo cáo giải trình tiếp thu trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý lại quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là: “Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”.

Cũng có ý kiến cho rằng, do dự thảo Luật bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức, nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể. “Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức. Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, ông Định cho biết.

Về số lượng cấp phó của HĐND, UBND, do ý kiến của đại biểu Quốc hội còn phân tán trong lựa chọn phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh.

Qua tổng hợp phiếu, tuy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về số lượng Phó Chủ tịch HĐND chưa có sự cách biệt lớn, nhưng tựu trung lại, các đại biểu đều thống nhất đề nghị trong lãnh đạo HĐND cấp tỉnh nên duy trì tối thiểu 2 đại biểu hoạt động chuyên trách để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Trên cơ sở đó, dự thảo luật quy định số lượng cấp phó tại các tỉnh, thành không bị giảm đồng loạt mà tùy thuộc vào việc bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương đó, trong bất kỳ trường hợp nào thì HĐND và Ban của HĐND cấp tỉnh vẫn được bố trí 2 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách.

“Hiện nay, hầu hết các địa phương đều bố trí chức danh Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm (Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm), còn Trưởng ban của HĐND cũng đa số hoạt động kiêm nhiệm, rất ít địa phương bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy, quy định về số lượng cấp phó của HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh như dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương”, ông Định lý giải.

MỚI - NÓNG