Ngày 5/10, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội cho biết, tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Thị Anh (SN 1981), nguyên chuyên viên tín dụng ngân hàng HSBC về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật Hình sự.
Bị can Cao Thị Anh tại cơ quan công an.
Ngụy tạo thông tin mở thẻ tín dụng, vay tín chấp
Xuất phát từ đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Mai Hương (ở Hà Nội) về việc bà không nộp hồ sơ vay tín chấp tại HSBC nhưng vẫn bị ngân hàng gửi trát đòi nợ... Qua xác minh, HSBC phát hiện từ tháng 5/2012 đến 2/2013, Cao Thị Anh đã câu kết với kế toán, giám đốc một số công ty bên ngoài để xác nhận vào các hồ sơ đã được ngụy tạo thông tin nhằm vay tín chấp và mở thẻ tín dụng. Cùng với việc ra quyết định sa thải Cao Thị Anh, HSBC đã đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, trong thời gian làm cán bộ tín dụng ngân hàng HSBC, Cao Thị Anh đã “móc ngoặc” với Nguyễn Tuấn Sơn (SN 1977), Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư & xuất nhập khẩu Minh Quang (Công ty Minh Quang - trụ sở tại Hà Nội) để xác nhận hồ sơ (bảng lương, thu nhập thường xuyên trả qua tài khoản…) cho 25 cá nhân mở thẻ tín dụng và vay tín chấp tại HSBC. Tuy nhiên, trên thực tế có 14 trường hợp không phải là nhân viên của Công ty Minh Quang; 2 hồ sơ khách hàng là người quen bị Sơn mượn CMND, hộ khẩu… photocopy rồi cùng Cao Thị Anh lập hồ sơ vay tiền của HSBC.
Ngoài ra, Cao Thị Anh còn thông đồng với Nguyễn Thị Huyền - Trưởng phòng hành chính tổ chức Công ty CP đầu tư Acom (trụ sở tại đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ký xác nhận cho 9 khách hàng không phải là nhân viên của Acom để mở thẻ tín dụng và vay tín chấp của HSBC. Trước khi nộp hồ sơ về bộ phận thẩm định của ngân hàng, Cao Thị Anh đã dặn khách hàng khai các thông tin gian dối khi bộ phận chức năng của ngân hàng thẩm định qua điện thoại.
Theo cơ quan điều tra, trong số hơn 40 hồ sơ khách hàng đã thông qua Cao Thị Anh để làm thủ tục mở thẻ tín dụng, vay tín chấp với tổng dư nợ hơn 6 tỷ đồng, có tới 30 người là lao động tự do (thợ sửa xe, thợ mộc…) không có thu nhập ổn định. Tính đến hết tháng 7/2015, có 38 khách hàng vay tín chấp nợ quá hạn gần 4,4 tỷ đồng; 29 khách hàng nợ thẻ tín dụng với tổng số tiền trên 800 triệu đồng, trong đó nhiều trường hợp trong số này khó có khả năng thu hồi.
Mở rộng điều tra đường dây “cò” tín dụng
Đáng chú ý, tại cơ quan điều tra, Cao Thị Anh khai nhận do bị áp lực trong việc phát hành thẻ tín dụng nên đối tượng đã làm “láo” để đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, qua lời khai của những người liên quan, CQĐT đã phát hiện một đường dây “cò” liên kết với cán bộ ngân hàng trong cho vay tín dụng để trục lợi cá nhân. Điển hình, chị Bích Phan Bảo Anh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2013, chị được một người tên Vũ giới thiệu gặp Lê Quang Minh (trú tại quận Ba Đình) để nhờ giúp mở hồ sơ vay tín chấp ngân hàng. Sau đó hồ sơ của chị Bảo Anh được Cao Thị Anh “làm đẹp” với các thông tin ngụy tạo để ngân hàng giải ngân 110 triệu đồng, nhưng thực tế chị Bảo Anh chỉ được nhận 20 triệu đồng.
Không những không biết các đối tượng đã “gửi” 90 triệu vào hồ sơ vay tiền ngân hàng, chị Bảo Anh còn “ngã ngửa” khi biết mình đứng tên một thẻ tín dụng có hạn mức 22 triệu đồng. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (ở quận Hoàng Mai) giao cho Lê Quang Minh một số giấy tờ để làm hồ sơ vay tín chấp, sau đó chị Huyền được nhận 30 triệu đồng, trên hồ sơ chị này đứng tên vay 81 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Lê Quang Minh khai lấy tiền dịch vụ giúp mở thẻ tín dụng và vay tín chấp ngân hàng là 5 triệu đồng/người.
Cũng theo cơ quan điều tra, sau khi thông đồng với Cao Thị Anh làm giả các thông tin khách hàng để ngân hàng giải ngân cho các hồ sơ vay tín chấp, Nguyễn Tuấn Sơn đã “ôm” hơn 600 triệu đồng bỏ trốn, hiện đang bị truy nã về hành vi “làm giả con dấu tài liệu” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng với việc củng cố hồ sơ để xử lý Cao Thị Anh trước pháp luật, CQĐT cũng sẽ mở rộng điều tra đối với đường dây “cò” tín dụng này.