> Tổng Bí thư 'điểm tướng' chống tham nhũng
> Toàn cảnh nhân sự Ban Nội chính Trung ương
Vừa qua mới kiểm tra tại 3 quận, huyện. Thành phố Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra việc thi tuyển công chức tại tất cả 29 quận, huyện.
“Đối tượng nào sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cũng trả lại sự trong sạch cho những người làm tổ chức cán bộ, hiện đang rất vất vả, làm ngày làm đêm nhưng chỉ vì mang tiếng một vài thông tin như vậy trong khi chưa có cụ thể ai vi phạm. Hiện nay các đồng chí làm tổ chức từ các quận, huyện, bộ, ngành rất bức xúc về những thông tin này”- ông Long nói.
Ông Long cho biết, nội dung câu chuyện chạy công chức ở Hà Nội đã được nhiều báo phản ánh.
Sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, lãnh đạo Bộ đã giao các vụ chức năng về làm việc trực tiếp với Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng.
“Anh Sáng cho biết ông Trần Trọng Dực có phát biểu về chạy công chức 100 triệu đồng tại phiên họp HĐND thành phố, tuy nhiên địa chỉ cụ thể như ai nhận, ai đưa, đưa ở đâu, đưa theo hình thức nào thì ông Dực không cung cấp được. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng cho biết, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc trong Ban Thường vụ Thành ủy, mời đồng chí Dực báo cáo nhưng ông Dực không cung cấp được thông tin nào thêm cả”- ông Long cho biết.
Về thông tin 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ông Hoàng Quốc Long cho rằng, trong thực tế không phải là con số cơ học như vậy. Hiện có khoảng 500 nghìn công chức, 2 triệu viên chức.“
30% công chức không làm gì trong bộ máy thì cần bàn thêm chứ không nên nói cơ học như vậy. Một cơ quan cũng như cỗ xe, có nhiều bộ phận, có bộ phận quan trọng, bộ phận không quan trọng nhưng cắt 30% đi thì cỗ máy không hoạt động được. Vấn đề là phải nâng cao chất lượng đội ngũ”- ông Long nói.
Làm rõ thêm những nội dung báo chí quan tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, để xác định có “chạy” công chức hay không thì các cơ quan có thẩm quyền và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tìm hiểu, điều tra. “Có thể bây giờ chưa phát hiện ra nhưng các cơ quan chức năng khác phải tiếp tục làm rõ.
Đợt kiểm tra vừa qua cũng đã phát hiện ra sai phạm như báo Tiền Phong nêu tại huyện Ứng Hòa. Trong đó, một số trường hợp vi phạm quy trình, quy chế trong quá trình thi tuyển”- ông Tuấn nói.
Để khắc phục thực tế này, Bộ Nội vụ một mặt tiếp tục rà soát các quy định mang tính quy phạm, nếu chưa phù hợp thì hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, tránh hiện tượng tiêu cực.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng nghiên cứu tổ chức lại phương pháp thi tuyển. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức thi tuyển công chức trực tuyến rất thành công. Các thí sinh bước ra khỏi phòng thi là biết mình đỗ hay trượt. Cách thi này nếu được nhân rộng sẽ xóa bỏ dư luận về tiêu cực trong thi tuyển công chức.
Trước thông tin “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, ông không bình luận về tỷ lệ nhưng Bộ rất cầu thị, lắng nghe dư luận.
“Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giao tiến hành nghiên cứu, khảo sát trong quý 1- 2013 về thực trạng công chức hiện nay đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng công chức đến cơ quan không làm việc”- ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để hoàn thiện đề án “Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp sở, cấp phòng”, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 3-2013. Quy định hiện nay là chỉ xem xét bổ nhiệm những người nằm trong quy hoạch. Vậy khi đổi mới cách làm, có thể có những trường hợp ngoại lệ, nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Nghĩa là việc bổ nhiệm phải thông qua cấp ủy, hoặc lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ chủ chốt và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. |