Tỉnh An Giang đầu tư một con đường nhựa lên núi, kéo điện lên, cùng với việc Cty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang xây dựng tượng Phật Di Lặc, xây chùa Phật Lớn đã thu hút du khách xa gần đến núi Cấm vào những ngày lễ hội, cuối tuần (khoảng 15.000 đến 20.000 lượt người/ngày).
Người dân núi Cấm chưa hưởng lợi được bao nhiêu thì đã gặp khó khi Cty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang (ANDESCO)- đơn vị thụ hưởng kinh tế du lịch đã lập hai trạm thu phí ngay dưới chân núi Cấm. Các loại xe đều phải gửi dưới núi, du khách muốn lên phải đi bằng xe trung chuyển độc quyền của Cty giá 45.000 đồng/người/2 lượt. Các loại xe ôm do người dân An Hảo đăng ký chạy cũng phải mất 2.000 đồng cho mỗi lần xuất bến lên núi.
Những người lái xe ôm trên núi kể: Có bà con ở xa đến dự cưới hỏi, ma chay, thăm thân… đến chân núi dừng lại và gọi điện báo cho người thân trên núi xuống đón. Tiền xăng chạy từ trên núi xuống và lên mất 28.000 đồng cộng thêm 2.000đồng phí xuất bến, 12.000 đồng/xe gắn máy (khách)… thì người thân mới được lên núi.
Trạm thu phí dưới chân núi Cấm . Ảnh: T.H |
Chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn là nơi cấp thuốc nam từ thiện cứu người. Một người bệnh dưới núi, không có tiền muốn lên chùa xin thuốc chữa bệnh, bảo vệ của trạm thu phí nhất quyết không cho lên, buộc phải mua vé. Nhiều đoàn từ thiện khám bệnh cho bà con trên núi cũng nản lòng vì qui định riêng này.
Dưới chân núi Cấm (đoạn gần cửa khách sạn Hữu Ngọc) có một tấm biển lạ: “Cấm tất cả các loại xe cơ giới- Trừ xe lữ hành”. Hỏi vì sao, chúng tôi được giải thích, vì đường lên núi đèo dốc quanh co, nguy hiểm. Vậy xe “lữ hành” loại 7 chỗ của Cty CP Phát triển Du lịch An Giang là xe gì?
Vì không có tiền nên nhiều người hành hương phải đi bộ 7-8 cây số lên núi. Vì không có con đường nào khác nên nhiều đám cưới hỏi, ma chay phải ngậm đắng chìa tiền cho công ty mới được lên núi.
Quyền tự do đi lại của 600 hộ dân với trên 1.500 con người trên núi Cấm gần như bị Cty Cố phần Phát triển Du lịch An Giang “cấm”, bất chấp pháp luật.
Chưa kể nông sản do nông dân trồng trên núi muốn bán phải mang xuống chân núi vì thương lái ngại đóng khoản phí người xe mỗi lần qua cửa công ty lên núi thu mua.
Phải chăng Cty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang được “cấp phép” vùng núi Cấm? Chưa nơi nào “tận thu” du lịch và việc đi lại theo kiểu Cty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang.