Cảm tử vận tải biển

Cảm tử vận tải biển
TP - Nhận thấy tuyến đường hàng hải trên biển, quân Pháp liên tục tuần tiễu bắt giữ thuyền hàng. Chúng treo giải thưởng, ai bắt được thủy thủ vận tải sẽ nhận thưởng 400 đồng Đông Dương, phong cửu phẩm, bát phẩm.

Có con đường xuyên biển thời Nam tiến - Kỳ 2:

Cảm tử vận tải biển

> Có con đường xuyên biển thời Nam tiến

Đục thuyền quyết tử

Phát hiện tàu địch, các chiến sĩ đục phá thuyền chấp nhận hy sinh trên biển. Lính vận tải gọi bằng hai từ “trọn gói”. Khi thấy thuyền vận tải của ta, máy bay Pháp thường bắn gãy cột buồm, sau đó gọi tàu chiến ra bắt sống và thu hàng hóa, vũ khí.

Ông Nguyễn Hữu Thức kể lại chuyến đi vận chuyển 3 tấn vũ khí của bạn chi viện cho chiến trường Liên khu 5 vào năm 1952: Lần đó thuyền ra phía Bắc nhận hàng. Khoảng 10 giờ, tàu chiến của Pháp từ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) lao ra bắn gẫy cột buồm để gọi tàu chiến ra bắt sống cả đoàn. Anh Lê Lựa ra lệnh cho anh em rời thuyền để trở về chiến đấu với đồng đội, còn mình ở lại cảm tử và thủ tiêu thuyền. Địch tràn tới, anh vừa dùng búa đục thuyền vừa nổ súng phản công. Khi sắp bị địch bắt sống, người lính này đã cắn lưỡi tự sát.

Đối với đội vận tải, nếu nghe 2 từ “trọn gói” nghĩa là gần như không có người trở về. Một trong những chuyến anh em hy sinh gần trọn gói, đó là tại vùng biển Bình Thuận năm 1952. Khi thuyền chở hàng và vũ khí lọt vào vòng vây của địch, anh Nguyễn Bậu ra lệnh anh em nhảy xuống biển, cho nổ thuyền. Tất cả 9 anh em hy sinh. Riêng anh Bậu may mắn trôi vào bờ và sống trở về với đồng đội.

Trung tá Nguyễn Bá Hiền kể lại một chuyến đi: Khi thuyền mới ra đến Mũi Nậy (Phú Yên) thì gặp địch. Tàu tuần tra bắn bao vây để bắt sống người và hàng. Anh Hiền quyết định đục thuyền. Cả 6 anh em bơi vào bờ trong đêm tối. Một chiến sĩ quay lại cứu anh Ngào đang chìm dần, nhưng anh buông tay cho đồng đội thoát vào bờ.

Giờ đã bước sang tuổi 80, bị thương tật, khó khăn lắm ông Trần Lứ (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) mới kể lại được câu chuyện cách đây gần 60 năm ông bị giặc Pháp bắt ở ngoài khơi vùng biển Khánh Hòa: “Tôi tham gia đội vận tải biển. Xuất hành chuyến đầu thì bị giặc Pháp bắt. Anh em trên thuyền thấy nó xáp tàu tới vội vàng lấy búa đục thuyền cảm tử, ném hàng xuống nước. Thuyền không kịp chìm nên nó bắt hết 10 người”.

17 trạm đón hàng được rải dọc ven biển. Trạm Anh Cúc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trạm Hòn Giếng ở Kiên Giang, Bầu Trắng ở Bình Thuận, trạm Vũng Rô... Sau này, địch phát hiện và bố ráp hàng loạt các trạm ở Đầm Vân, Vĩnh Hảo. Trạm Đồi Mồi và Cỏ Ống ở tỉnh Khánh Hòa bị địch bắt toàn bộ trạm và điện đài. Trong những chuyến vận tải hàng, nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi thuyền chìm giữa biển. Thời điểm gay go nhất, trạm xuất bến 5 đợt 15 chiếc thuyền nhưng về trạm chỉ 6 chiếc. Trong số không về, nhiều anh em đã đục thuyền, “hy sinh trọn gói”.

Ông Nguyễn Hữu Thức kể lại hành trình gian khổ trên biển 60 năm trước Ảnh: L.V.C
Ông Nguyễn Hữu Thức kể lại hành trình gian khổ trên biển 60 năm trước Ảnh: L.V.C.

Không lời trối trăn

Cũng có những chuyến chở hàng vượt bão táp ngược ra Bắc. Ông Hồ Phiên nhớ lại: Đêm 30-4-1948, thuyền chở 7 tấn đường cát của Quảng Ngãi ra trạm vận tải khu 4 của Nghệ An. Sau đó chở 15 tấn hàng gồm thuốc nổ, kíp nổ vào Nam. Thuyền xuất phát từ Cửa Hội.

Biển đang động, chiếc thuyền quăng quật trong sóng dữ. Giữa lúc hiểm nguy, ông Phiên ra lệnh hạ 3 cột buồm, cuộn lại, ném xuống trước mũi thuyền để cản sóng. Kinh nghiệm của dân đi biển, đây là phương thức cuối cùng để cứu thuyền. Chiếc thuyền quăng quật đến ngày thứ 8 thì biển mới lặng sóng. Con thuyền lại căng buồm lướt sóng trở về.

Sau ngày hòa bình lập lại, tiểu đoàn 248 đã đổi tên thành C425 thuộc Quân cảng Quy Nhơn làm nhiệm vụ chuyển quân từ trong bờ ra tàu Liên Xô, Ba Lan và chở hàng viện trợ vào bờ.

Trong những chuyến giao hàng vào các tỉnh cực nam, nhiều chuyến phải hủy thuyền, người đi bộ trở về để giữ bí mật. Băng rừng, lội suối, nhiều chiến sĩ đã nằm lại vì đạn địch, vì bệnh tật, đói khát và bị cọp vồ.

Vào một ngày đầu năm 1952, trạm bí mật nằm tại Hòn Lớn của Nha Trang đang chuẩn bị đón hàng. Anh Ba, chiến sĩ quê ở Quảng Ngãi phát hiện địch đang bao vây trạm để bắt trọn chuyến hàng ngoài biển vào. Cố bò lên vách đá dựng đứng, anh liên tục đánh tín hiệu mất an toàn về phía biển. Vậy là anh Ba trở thành tấm bia sống để địch nã súng.

Tháng 12-1952, ông Nguyễn Xuân Thìn, quê ở Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng chở 10 tấn hàng, trong đó có một máy chế tạo vũ khí của công binh xưởng và các tài liệu gởi cho cực Nam Trung bộ, miền Đông Nam bộ. Dự kiến hàng sẽ vào bến Vĩnh Hy, tỉnh Bình Thuận.

Tối mùng 4 Tết, lợi dụng gió mùa đông bắc giật cấp 5 cấp 6, thuyền xuất phát tại cửa Vũng Trích (Phú Yên). Trưa hôm sau, thuyền bị máy bay địch quần đảo tại vùng biển Nha Trang. Trèo lên cột buồm, phát hiện ống khói tàu thủy hướng về thuyền, ông Thìn ra lệnh cho 4 anh em ném toàn bộ mọi thứ trên thuyền xuống biển. Khi bị bắt, bị địch tra tấn dã man, tất cả anh em đều một mực không khai. Bị đưa vào trại lao dịch, các chiến sĩ cảm tử này đã khống chế lính da đen Ma Rốc, cướp trại chạy thoát.

Nhiệm vụ đặc biệt cuối cùng của những người lính vận tải biển là đánh phá chiến dịch Át Lăng của Pháp năm 1954. Lần đó, thực dân Pháp đánh vào vùng tự do Phú Yên. Toàn bộ các chốt dọc tuyến phía Nam phải rút ra Bình Định. Các lực lượng phía Nam đang rất cần chất nổ. Nhiệm vụ vượt biển không trạm được đặt lên vai trung đội kỳ cựu của Đào Duy.

Chiếc thuyền chở 2 tấn chất nổ xuất phát từ huyện Phù Mỹ (Bình Định) hướng vào Nam. Không có trạm đón. Tất cả mọi kinh nghiệm đi biển được những người lính vận dụng triệt để để thực hiện nhiệm vụ. Trước hừng đông, chiếc thuyền tấp vào bãi để chôn giấu chất nổ. Thuyền được dìm xuống biển. Trời tối, chiếc thuyền lại tiếp tục hành trình. Mất 16 đêm trường, 2 tấn chất nổ được giao cho chiến khu.

Vào dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tại Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tịnh (TP Quảng Ngãi), những người lính cũ của tiểu đoàn 248 cũng chuẩn bị cho ngày gặp mặt. Nhiều chiến sĩ hiện nay chưa được hưởng chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng.

Sự hy sinh của họ thật thầm lặng. Các anh không có một ngày truyền thống riêng cho mình, chỉ có ngày 23-10 được tự chọn là dịp để họp mặt. Sự hy sinh một thời của họ, giờ được công nhận bằng những tờ kỷ niệm chương “Đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển” của quân chủng Hải quân.

Lần nào gặp gỡ, ông Thức, chiến sĩ quê ở Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) cũng rơi nước mắt khi ngâm những vần thơ mà ông sáng tác: Chở hàng mùa bấc, mùa nồm/ Buồm giương ba cánh, sóng chồm phủ thân/Mưa sa, gió táp ầm ầm/ Đêm đông mù mịt một thân giữa trời/Khi thuyền phá nước, trời ơi/Ôm nhau giữa biển không lời trối trăn…

Kể lại những câu chuyện cũ, những cựu chiến binh đều nghẹn ngào. Nước mắt lại rơi khi nhớ về đồng đội đã hy sinh trên biển cả, khi nhớ lại những năm tháng hào hùng.

Lần nào gặp gỡ, ông Thức, chiến sĩ quê ở Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) cũng rơi nước mắt khi ngâm những vần thơ mà ông sáng tác: Chở hàng mùa bấc, mùa nồm/ Buồm giương ba cánh, sóng chồm phủ thân/Mưa sa, gió táp ầm ầm/ Đêm đông mù mịt một thân giữa trời/Khi thuyền phá nước, trời ơi/Ôm nhau giữa biển không lời trối trăn…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.