Đó là khẳng định của Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng trước thông tin phản ánh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền liên quan đến những thông tin được đăng tải trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH chính quy, Cao đẳng, Trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018.
Theo Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng, Nhà xuất bản nhận được thông tin về việc thiếu một số mã ngành/chuyên ngành của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được in trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học hệ chính quy, Cao đẳng, Trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 (các tỉnh phía Bắc từ tỉnh Quảng Trị trở ra).
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác nhận cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học hệ chính quy, Cao đẳng, Trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 (các tỉnh phía Bắc từ tỉnh Quảng Trị trở ra) đã bị thiếu 16 mã ngành/chuyên ngành của Học viện Báo chí và Tuyên truyền do lỗi kĩ thuật.
Khắc phục điều này, trong lời nói đầu của cuốn sách đã nêu rõ: Để cập nhật các thông tin thay đổi (sau ngày 25/3/2018), thí sinh tham khảo tại trang web của từng trường (trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về việc thiếu 16 mã ngành/ chuyên ngành, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có Thông báo số 1532/TB-HVBCTT ngày 9 tháng 4 năm 2018 để thông tin rộng rãi trên trang mạng của nhà trường, kịp thời giúp cho thí sinh đăng kí dự tuyển vào học viện.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết cuốn những điều Cần biết năm 2018 thiếu 16 ngành của học viện báo chí tuyên truyền. Trong đó có những ngành rất hot như ngành báo chí, ngành truyền thông đại chúng, ngành ngôn ngữ ảnh.
Những ngành này trường tuyển sinh đã lâu, có truyền thống của nhà trường. Nhưng điều đặc biệt là những ngành mới thì lại đều được đăng tải trong cuốn những điều cần biết như quản lý nhà nước, quản lý công, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, truyền thông quốc tế.
Sau khi nhận được thông tin, nhà trường đã có thông tin đính chính những ngành còn thiếu. Trường cũng có công văn gửi nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và Bộ đề nghị đính chính bổ sung những ngành còn thiếu cho Học viện.
Ông Ngọc cũng cho biết khi biên soạn cuốn sách này, nhà trường không nhận được bất cứ liên hệ nào của NXB giáo dục Việt Nam, cũng như không có phản hồi nào của NXB giáo dục để cung cấp thông tin chính thức. Trước đây, Bộ GD&ĐT phát hành thì có gửi bản bông để các nhà trường kiểm tra. Còn mấy năm gần đây giao cho NXB giáo dục thì nhà trường không còn nhận được thông tin nữa.