Cắm mốc đất lúa đến từng xã

Cắm mốc đất lúa đến từng xã
TP - Trả lời chất vấn của ĐBQH ngày 23-11, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giữ 3,8 triệu ha lúa; Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết sẽ cắm mốc diện tích đất lúa đến từng xã.

> Không thể khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông
> Có thể xử phạt giao thông qua tài khoản cá nhân

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, bảo vệ đất lúa là vấn đề lớn, đất lúa giảm do cả yếu tố tự nhiên và con người. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế lấy đất lúa, có chính sách hỗ trợ địa phương, nông dân chuyên trồng lúa…

“Nhìn lại hơn 20 năm đổi mới, nền nông nghiệp chỉ có thể phát triển được khi chúng ta phát huy thế mạnh của mình. Chúng ta nên gìn giữ mảnh đất màu mỡ này cho muôn đời con cháu mai sau”, ông Phát nói.

ĐB Nguyễn Thị Khá chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Nguyễn Thị Khá chất vấn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, tới đây sẽ cắm mốc và công khai diện tích đất lúa đến từng xã. Địa phương muốn chuyển đổi đất lúa phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

ĐB Nguyễn Thị Khá hỏi về giải pháp để nông dân bán được hàng hóa giá cao. Ông Phát cho biết, hai tổng công ty lương thực nhà nước thời gian qua luôn theo sát thị trường, thu mua kịp thời nông sản cho nông dân, đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%.

Đã thu hồi 2 dự án cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng. Bộ trưởng Phát cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra nghiêm túc, yêu cầu dừng không cho thuê mới, rà soát những dự án đã cấp giấy chứng nhận. Dự án nào trồng rừng lấn vào địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì không cho thuê nữa.

Các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ. Chúng ta đã cho thuê hơn 18.500 ha, trong đó, các doanh nghiệp đã trồng hơn 13 nghìn ha rừng, ông Phát cho biết.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói, Chính phủ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, từ năm 1995 đến nay có 10 dự án cho nước ngoài thuê đất trồng rừng. Trong đó, 2 dự án tại Hòa Bình và Lạng Sơn đã bị thu hồi giấy phép do triển khai chậm. Một dự án tại Phú Yên trồng từ trước nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Ông Vinh cho biết, dự kiến cấp phép là 288 nghìn ha, nhưng trong thực tế diện tích có hợp đồng cho thuê chỉ là hơn 18.500 ha. Việc cấp phép đầu tư đều phân cấp cho các địa phương thực hiện. Do vậy, tới đây Bộ KH&ĐT sẽ bổ sung quy định, trình tự cấp phép cho chặt chẽ hơn.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi về thực trạng khoa học trong nông nghiệp. Bộ trưởng Phát thừa nhận, hoạt động của một số viện nghiên cứu còn xa nông dân. “Tôi đã nói với các viện trong bộ, đừng đem báo cáo khoa học đến cho bộ trưởng mà hãy mang đến những trái cây, giống lúa có hiệu quả cao. Đến nay, công tác này bắt đầu có chuyển biến”, ông Phát nói.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu tình trạng 4 không trong chương trình dạy nghề cho nông dân. Đó là không đúng, không trúng, không hiệu quả và không huy động được các nhà khoa học. Bộ trưởng Phát cho biết, chương trình này do Bộ LĐ,TB&XH chủ trì. Về trách nhiệm của ngành, Bộ NN&PTNT đã lưu ý vấn đề chất lượng.

Ông Lê Văn Cuông – Nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Chất vấn vẫn còn thiếu lửa

Cắm mốc đất lúa đến từng xã ảnh 3

“Tôi theo dõi đầy đủ cả hai phiên chất vấn cả ngày hôm qua và thấy rằng vẫn còn rất chung chung và thiếu lửa. Tôi thấy nhiều câu hỏi mang tính chất hỏi chỉ để hỏi, không có trọng tâm, không đi vào trách nhiệm cụ thể. Tuy là phiên chất vấn đầu tiên và rõ ràng nếu xét theo bằng cấp thì chất lượng đại biểu của khóa này hơn khóa trước rất nhiều nhưng qua chất lượng các câu hỏi, tôi chưa thấy thể hiện được điều đó.

Ngoài ra, việc các bộ trưởng trả lời theo chủ đề cũng khiến cho nội dung bị loãng. Tôi quan sát thấy nhiều đại biểu muốn được hỏi lại nhưng chủ tọa không cho phép. Điều này làm cho chúng ta có cảm tưởng nhiều câu hỏi được trả lời nhưng chất lượng lại không cao.

Bên cạnh đó, về việc điều hành chất vấn, tôi thấy chưa tạo ra được sự tranh luận, đối chất – là điều rất cần trong các phiên chất vấn. Các vấn đề cũng không thấy được chốt lại sau khi kết thúc để về sau Quốc hội và cử tri còn giám sát”.

Cao Nhật ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.