Cam kết của ông Biden và nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) về mặt quân sự trong trường hợp Trung Quốc đại lục tấn công có thể mở đường cho xung đột ở eo biển Đài Loan, nhiều nhà quan sát nhận định.

Đây là lần thứ hai kể từ tháng 10/2021, các trợ lý của Tổng thống Joe Biden phải xem xét lại, giải thích rõ các bình luận của ông vì chúng dường như đảo ngược chính sách lâu đời về “sự mơ hồ chiến lược” liên quan việc Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan. “Như Tổng thống đã nói, chính sách của chúng tôi không thay đổi. Ông ấy nhắc lại chính sách “Một Trung Quốc” của chúng tôi và cam kết của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ông ấy cũng nhắc lại cam kết của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan là cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ”, một quan chức Nhà Trắng tuyên bố ngày 23/5. Tuy nhiên, Bắc Kinh không bị thuyết phục. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cảnh báo rằng Trung Quốc “sẽ có những hành động kiên quyết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của mình”.

Hôm 23/5, tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Rand Corporation (Mỹ) nhận định, Mỹ hiện thiếu năng lực để ngăn chặn và đánh bại một cuộc phong tỏa kinh tế đối với Đài Loan, chưa nói đến một cuộc tấn công toàn diện vào hòn đảo này.

Các nhà quan sát cho rằng, những cam kết bằng lời nói của Tổng thống Biden để bảo vệ Đài Loan có thể khuyến khích, hơn là ngăn cản sự tấn công của Trung Quốc đại lục đối với hòn đảo này. Một số nhà phân tích còn cho rằng, cam kết của ông Biden còn có thể thúc đẩy hành động quân sự phủ đầu của Bắc Kinh. Ông Winston Lord, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, nói với Politico: “Chúng ta nên duy trì sự mơ hồ về chiến lược. Chúng ta có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan mà không phá hủy chính sách “Một Trung Quốc” không rõ ràng của chúng ta - vốn là yếu tố cốt lõi trong quan hệ của chúng ta với Bắc Kinh trong nửa thế kỷ qua”.

Cam kết của ông Biden và nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan ảnh 1

Binh sĩ Đài Loan (Trung Quốc) lái xe tăng M60 trên đường phố Đài Trung trong một cuộc diễn tập quân sự ngày 3/11/2020Ảnh: Reuters

Mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan được thể hiện trong Ba thông cáo chung Mỹ-Trung Quốc, Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) năm 1979 và Sáu điều khoản đảm bảo năm 1982. TRA cam kết Mỹ “duy trì khả năng của Mỹ trong việc chống lại bất kỳ biện pháp nào để cưỡng bức hoặc các hình thức ép buộc khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hoặc kinh tế của người dân ở Đài Loan”. Không có tài liệu nào trong số 3 văn kiện trên bắt buộc Mỹ phải can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trước sự tấn công của Trung Quốc đại lục.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, nhận định: “Nếu (Tổng thống Biden) tiếp tục tuyên bố sai về chính sách thì sẽ làm suy yếu khả năng răn đe. Việc đó có thể kích động cuộc tấn công mà chúng ta đang cố gắng ngăn chặn vì ông Tập Cận Bình có thể kết luận rằng Trung Quốc nên hành động trong khi nước này vẫn có lợi thế thông thường. Ông ấy có thể cảm thấy bị đẩy vào chân tường bởi một thách thức trực tiếp của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan”.

“Đừng đùa với lửa”

Chính phủ Trung Quốc coi Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một phương tiện “hình thành các nhóm nhỏ nhân danh tự do và cởi mở… để kiềm chế Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hôm 22/5. Ông Vương chỉ trích Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì “chính trị hóa, vũ khí hóa và hệ tư tưởng hóa các vấn đề kinh tế và sử dụng các biện pháp kinh tế để ép buộc các nước trong khu vực chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cảnh báo Mỹ chớ làm đảo lộn hiện trạng Đài Loan. “Những động tác như vậy cực kỳ nguy hiểm, chẳng khác nào đùa với lửa. Ai đùa với lửa sẽ bị bỏng”, ông Tập nói với ông Biden trong cuộc gặp trực tuyến hồi tháng 11/2021.

Các bình luận về Đài Loan của Tổng thống Biden cũng có thể phản tác dụng vì khiến giới chức hòn đảo này suy nghĩ lại hoặc làm chậm quá trình liên tục nâng cấp thế trận phòng thủ của hòn đảo để đẩy lùi sự tấn công của Trung Quốc đại lục có thể xảy ra trong tương lai.

Nhưng đối với nhiều người Đài Loan, những lợi ích tiềm tàng của một cam kết rõ ràng của Mỹ trong việc bảo vệ hòn đảo này sẽ giúp ích hơn là gây hại. “Tôi nghĩ rằng việc thể chế hóa các chuẩn mực mới xung quanh mối quan hệ Mỹ-Đài Loan sẽ giảm bớt, chứ không gia tăng nguy cơ chiến tranh”, ông Chen Kuan-ting, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Taiwan NextGen Foundation (trụ sở tại thành phố Đài Bắc), nhận định.

MỚI - NÓNG