Cảm hứng sống bất tận

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Đến nhà buổi chiều cho thong thả, sáng ông bận nấu nướng, dọn dẹp đủ thứ, lu bu lắm”, bà Nguyễn Thị Lý, vợ ông Thi Lý Ngật (phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng) dặn dò.

Lời bà giống như đang nói về người chồng còn ở độ tuổi lục tuần, còn mạnh tay mạnh chân đảm đương việc nhà. Nhưng thực ra ông cụ luôn bận rộn ấy năm nay đã...103 tuổi. Thời gian như bỏ quên cụ, từ đôi tay, ánh mắt, trí nhớ…

Vào bếp quanh năm

Cảm hứng sống bất tận ảnh 1

Hàng ngày cụ vẫn tự vào bếp nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Thanh Trần

Khu tập thể cụ Ngật ở nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật đã cũ mèm. Nhiều gia đình sống ở đây ba bốn chục năm, với mấy thế hệ, người mất, người còn. Đám trẻ biết có người tới tìm nhà cụ liền thoăn thoắt chạy lên tầng, gọi một tiếng rồi thò tay mở cửa.

Cụ quần áo chỉnh tề, ngồi đợi ngay ghế. Dáng cụ gầy cao, đầu tóc bạc như cước, đôi mắt và nụ cười còn tươi rói. Nghe tôi trầm trồ cụ còn khỏe mạnh, cụ cười hiền, bảo chẳng có thần dược sơn hào hải vị chi cả, cứ chăm ăn uống luyện tập ở nhà thôi. Mỗi sáng, cứ 6h30 thức dậy, cụ vệ sinh cá nhân rồi tập bài thể dục ngay…trên giường. Bài tập này được các bác sĩ bày cho đợt cụ nhập viện đã lâu, mà theo cụ là nó hệt bài tập vật lý trị liệu. Nói dứt lời, cụ làm mẫu cho tôi xem. Những động tác thật đơn giản như đạp xe, vặn mình, vung tay, gập người… Bao nhiêu năm qua chưa ngày nào cụ quên bài, lười tập cả. “Nhìn nó đơn giản vậy, nhưng ngày nào mình cũng vận động nên hiệu quả lắm. Tui không thấy nhức mỏi, tê tay tê chân, sống lưng cũng êm ru”, cụ nói.

Đợi cụ tập xong, bà đã chuẩn bị nước ấm cho cụ tắm, phải là nước ấm như mấy chục năm qua, rồi ăn sáng. Hai món chủ đạo là cháo và bánh mì cho nhẹ bụng. “Tầm trưa là ông nấu ăn. Ổng thích vào bếp, thích vị của mình tự nấu. Ông chỉ ghiền rau, trứng, đặc biệt cá tươi”, bà Lý kể. Cụ khoái cá biển, những mớ cá lưới, cá câu gần bờ tươi xanh. Cá làm sạch, chẳng cần ướp, cho vào nồi nước dứa, cà chua đã nấu sôi. Cụ bảo nấu theo kiểu này mới ngọt nước, ăn miếng cá béo thơm. Thỉnh thoảng đổi món sang nhúm rau tập tàng nấu tôm, trứng xào khổ qua… Cụ không thích ăn thịt, chỉ vì có chút “cực đoan” thịt không tốt, không lành bằng tôm cá. Ở tuổi 103, mỗi ngày cụ vẫn vào bếp, lụi cụi nấu ăn cho hai vợ chồng, có khi cho cả mấy đứa cháu. Cụ nghiệm ra, có được sức khỏe, bớt bệnh tật như hôm nay một phần nhờ ăn uống sạch lành, ăn ở nhà quanh năm, không màng đến đồ chiên rán, dầu mỡ.

Trong căn nhà chừng năm chục mét vuông đã ố màu thời gian của hai vợ chồng, từng ngóc ngách buồng phòng được dọn dẹp sạch tinh tươm, ngăn nắp. Phòng cụ nhìn vào biết ngay lề lối quân đội. Chăn màn vuông vức, áo quần gọn gàng. Sách báo, hồ sơ sắp đặt thứ tự. Lúc vợ bận, cụ cũng quét dọn, lau nhà. Với cụ, lao động mang đến niềm vui, sau là để thấy mình không phiền ai cả.

Sống từng ngày chứ không tồn tại

Cảm hứng sống bất tận ảnh 2

Cách rèn luyện trí nhớ của cụ là tiếp nhận thông tin, trò chuyện mỗi ngày. Ảnh: Thanh Trần

Tôi hỏi cụ nhớ cưới bà năm nào không? Cụ liền cười phá lên, bảo giờ hỏi mốc sự kiện nào cụ cũng kể vanh vách. Năm 1957, cụ tập kết ra Bắc, năm 1972 cưới bà. Thời gian ở ngoài đó, cụ làm việc tại Ủy ban Thống nhất Trung ương, chuyên phục vụ khách chiến trường, cung cấp hàng hóa cho tiền tuyến. Tháng 10/1975, cụ làm Chủ nhiệm Nhà khách Chiến Thắng trực thuộc Văn phòng UBND Cách mạng khu Trung Trung Bộ. Một năm sau lại làm Chủ nhiệm khách sạn chuyên gia và giao tế, theo lời cụ kể thì thường tiếp đón những đoàn chuyên gia từ Liên Xô (cũ) đến để làm việc liên quan đến máy bay. Năm 1982, cụ nghỉ hưu, về làm việc ở phường, tổ dân phố... Cụ say sưa tua lại những lần vào Nam ra Bắc, qua từng quân khu… Đoạn phim trong cỗ máy trí óc của cụ già 103 tuổi dường như không sót một phân cảnh nào.

Cảm hứng sống bất tận ảnh 3

Cụ sống cùng người bạn đời đầu ấp tay gối trong khu nhà tập thể. Ảnh: Thanh Trần

Cụ kể tới đâu, bà rút trong tập hồ sơ đưa cho tôi từng loại giấy tờ tới đấy để đối chiếu. Chính xác đến từng tháng, từng năm, từng nhiệm vụ. Bà nói cách để cụ không đãng trí là hàng ngày đều tiếp nhận thông tin. Nhà cụ hôm nào cũng có báo, rồi sách, tạp chí đặt thường xuyên. Cụ cũng chưa ngày nào bỏ qua chương trình thời sự trên ti vi. Và hơn hết, là có bà để trò chuyện. “Có người tâm tình, hỏi han, khơi gợi chuyện này chuyện khác thì đầu óc hoạt động thôi. Nhiều người già u sầu, ít nói, dễ quên, cũng chỉ vì chẳng biết nói với ai, chẳng gặp được ai. May là hai vợ chồng tôi còn nhau, và ở trong khu nhà lớn nhỏ đều có, đủ sắc màu cuộc sống”, bà chiêm nghiệm.

Trong mắt cụ, vợ như “thần tượng”, suốt buổi cứ khoe vợ đảm đang, tháo vát, khi về hưu cũng “có chức có quyền”, làm Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ vay vốn… Hết nhiệm kỳ lại được tín nhiệm bầu tiếp. Vậy ông bà có bao giờ cãi nhau không? Cụ gạt phăng, không hề, không hề. Lúc trẻ có đôi lần vì chuyện con cái, còn bây giờ còn nhau đã quý, cãi nhau làm gì.

Giọng cụ đã lạc đi ít nhiều, nhưng vẫn còn hài hước. Cụ kể mấy đợt mừng thọ, cán bộ, bác sĩ, người thân tới thăm quá trời, duy chỉ không có bạn bè vì…chết hết rồi! “Bệnh viện C Đà Nẵng mấy lần thay lãnh đạo bệnh viện mà tui vẫn…chưa chết. Rõ ràng mình “dai” hơn người ta”, cụ dí dỏm. Nhắc chuyện bệnh viện, cụ nhớ năm 1984 bị té gãy chân phải nhập viện, biết cụ hút thuốc, bác sĩ khuyên bỏ đi vì cực kỳ có hại. Nghe vậy cụ bỏ dứt khoát từ đó đến nay. Mỗi ngày chỉ tự thưởng cho mình một cốc bia. Cụ trầm tư, ai cũng sẽ già rồi về với đất, nhưng già không có nghĩa mình buông tay đợi ngày thần chết gõ cửa. Đó là tồn tại. Với cụ, mỗi ngày còn được sống, nhìn ngắm người thân, chứng kiến thời cuộc đổi thay là hạnh phúc. Vậy nên chưa một ngày nào cụ ỷ lại mình già nua, mà “thôi kệ”, bỏ qua chuyện nấu nướng, tập luyện, đọc sách, nghe thời sự, hỏi han cháu con… Mỗi ngày còn sống là phải sống. “Mình sống để đừng phí phạm cuộc đời, bao nhiêu người bệnh tật người ta mơ được sống. Sống tốt còn để làm gương cho con cháu noi theo”, cụ tâm tình.

Bà Phan Thị Đông (60 tuổi), người ở khu nhà đã hơn 30 năm, chứng kiến từng ngày cụ Ngật già đi. “Ông đem tới niềm vui, động lực và cảm hứng sống cho mọi người. Chỉ có ông, hơn trăm tuổi mà nấu canh, kho cá cho hàng xóm, ai thiếu gì cũng gõ cửa nhà ông. Các cuộc họp hành sinh hoạt ông đều có mặt. Mọi người ở đây coi ông là tấm gương, nhiều lúc dạy cháu con cứ nhắc tên ông, “tới mà học cụ Ngật kìa!”, từ cách ăn, ở, đối nhân xử thế”, bà Đông chia sẻ.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.