Các “trùm” cho vay tiền không cần tài sản thế chấp luôn biết cách thu hồi nợ. Ngay sau khi con nợ xuất hiện với vẻ mặt thiểu não hoặc lo lắng, lập tức “trùm” cho tay chân điều tra thân thế, gia cảnh kẻ đang cần tiền. Thường chỉ trong 1 buổi hoặc 1 ngày, đôi bên đã chốt xong hợp đồng vay với cọc tiền đem đi, một vài mảnh giấy tùy thân để lại.
Có người còn khoe may gặp chủ nợ “có lương tâm”, nên chỉ phải trả lãi 7.000đ/1.000.000đ/ngày. Họ không tính được khoản tiền lời có vẻ nhỏ nhoi đó tương ứng với lãi suất 21%/ tháng, 252%/ năm, gấp hơn 20 lần lãi suất cho vay của ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Dù biết vay rồi khó trả, nhưng “thiêu thân” vẫn lao vào, chỉ cần biết sẽ có ngay khoản tiền nóng để trang trải việc cấp thiết, bất chấp hậu quả. Đối tượng vay thuộc đủ mọi thành phần, ngành nghề khác nhau trong xã hội, từ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức cho tới nông dân, tiểu thương... Có người đến hạn ôm tiền đến trả, bất ngờ nghe chủ nợ tuyên bố đó chỉ là mức lãi “ưu đãi” nếu họ chịu trả ngay mỗi ngày.
Do nợ lãi ngày nào cũng cộng vào nợ gốc, dồn cả tháng, cả năm, cục nợ đã to thành núi ! Dám không trả ư ? “Xã hội đen” xuất hiện ngay lập tức! Nhẹ thì tạt mắm tạt sơn, dọa cắt tai xẻo mũi. Nặng thì bắt cóc đòi chuộc, thậm chí xuống tay mất mạng. Ở bất kỳ tỉnh thành nào, chỉ cần đến tòa án hoặc các văn phòng luật sư cũng thấy hồ sơ kiện thưa các kiểu vì “tín dụng đen” nhiều vô số.
Đập vào mắt người đi đường mọi lúc, mọi nơi, là những cây cột điện và các mảng tường chi chít tờ rơi dán chặt với nội dung chào mời “Cho vay không cần thế chấp”, kèm những câu dụ dỗ ngọt ngào, như lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, tổ chức đáng tin cậy, ưu tiên nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng cứ hễ mắc vào, lập tức lãnh đủ.
Bẫy tín dụng đen đã khiến nhiều nạn nhân tán gia bại sản, tổ ấm tan vỡ; Có người trốn chạy, tha hương biệt xứ; Cũng không ít con nợ tự tử bằng đủ mọi cách, từ ăn lá ngón, nhảy sông tới uống thuốc độc, treo cổ để lại thư tuyệt mệnh, vì không chịu nổi cảnh triền miên bị đe dọa, chửi bới dữ dằn. Nhà chức trách ở đâu ?
Trao đổi với báo Tiền Phong, từ luật sư, thẩm phán tới cán bộ điều tra đều cho rằng những điều khoản quy định liên quan tới cho vay nặng lãi trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự dù đã chỉnh sửa, bổ sung, nhưng vẫn khó áp dụng để bài trừ nạn tín dụng đen do trên hợp đồng bên cho vay thường chỉ ghi lãi suất “theo thỏa thuận”, hoặc cộng luôn lãi vào khoản tiền thực vay.
Trong khi chờ Nhà nước điều chỉnh các chính sách liên quan, thiết nghĩ người dân nên tự bảo vệ mình, bằng cách dù túng thiếu tới đâu đi nữa, cũng phải biết nói “không” với “tín dụng đen”!