Cạm bẫy bủa vây trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bắt cóc, mua bán, lạm dụng...đang bủa vây trẻ em tại TPHCM. Đây là vấn đề nan giải, các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn, giải quyết triệt để.

Vài tuổi đã phải mưu sinh

Nửa đêm, bé K (11 tuổi) theo mẹ đi bán đậu phộng, trái cây ở các quán nhậu mới trở về một quán võng cạnh quốc lộ 1A, thuộc quận Bình Tân, TPHCM để tìm chỗ ngả lưng. K theo mẹ rời quê Vĩnh Long lên thành phố mưu sinh đến nay đã được 3 năm. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, K được mẹ chở tới các quán nhậu ở quận Bình Tân, quận 6…

Xe dừng ở quán nào, K lại cắp thúng đậu phộng luộc, xách thêm mấy bịch trái cây gọt sẵn đến từng bàn nhậu chào mời khách. Cứ thế, công việc của K bắt đầu từ 19 giờ đến tận nửa đêm, bất kể mưa hay nắng. Hỏi K có muốn đi học không, cậu bé len lén nhìn ra phía mẹ đang chờ bên ngoài rồi nói nhanh: “Con muốn đi học lắm nhưng không có tiền, hơn nữa mẹ cũng không cho vì không ai phụ đi bán hàng…”.

Cạm bẫy bủa vây trẻ em  ảnh 1

Các bé gái xin tiền người đi đường tại giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương. Ảnh: Hoàng Thuận

Góc đường Ba Tháng Hai giao với Nguyễn Tri Phương (quận 10) thường có một người đàn ông ẵm đứa trẻ khoảng 5 - 6 tuổi, chờ những người dừng đèn đỏ để xin tiền. Dù nắng nóng hay tối muộn, đứa trẻ mệt lả vẫn bị người này dẫn đi xin như vậy. Khi chúng tôi hỏi có phải con hay cháu, người này không trả lời rồi vội lảng đi nơi khác.

Ghi nhận của phóng viên trên đường An Dương Vương, đoạn qua cầu Mỹ Thuận (giáp quận Bình Tân và quận 6), tình trạng người lớn dẫn theo em bé bán vé số vẫn diễn ra hằng ngày. Tại giao lộ An Dương Vương - Võ Văn Kiệt, một bé gái khoảng 10 tuổi, một tay ẵm em bé nhỏ khoảng vài tháng tuổi, tay còn lại cầm nón đi xen vào dòng người dừng chờ đèn đỏ để xin tiền. Gần đó, một bé gái khác cũng cầm chiếc mũ sờn cũ chìa về phía người đi xe máy và liên tục gật đầu, ra hiệu xin giúp đỡ.

Trong khi đó, tại cầu vượt Cây Gõ (quận 6) luôn có 2 bé gái nhỏ tuổi cầm vé số ngồi dưới dạ cầu (phía dưới cầu, gầm cầu) bán để mời người dừng đèn đỏ. Gần đó, có vài người lớn tuổi cũng bán vé số và quan sát, trông chừng các bé.

Không chỉ ở giao lộ, gầm cầu, những đứa trẻ ở độ tuổi đến trường phải theo chân người lớn bán vé số dạo tại khu vực chợ, quán cà phê. Ghi nhận, quán cà phê tại giao lộ Trần Văn Kiểu - đường số 32 (quận 6) luôn có các bé gái từ 5 - 10 tuổi mời chào thực khách mua vé số mỗi ngày.

Chia sẻ với phóng viên, bé gái tên A (5 tuổi) cho biết, cùng mẹ đi bán vé số từ lúc 5 giờ mỗi ngày ở khu vực chợ Bình Điền (quận 8) rồi di chuyển sang khu vực quận 6, quận Bình Tân. Dù mới 5 tuổi nhưng bé gái này trả lời rành rọt các câu hỏi của phóng viên về hoàn cảnh gia đình cũng như lý do theo mẹ bán vé số.

Theo lời bé A, gia đình có 5 chị em, người chị lớn nhất mới 15 tuổi. Hằng ngày, ba của A đi phụ hồ, chị em A theo mẹ đi bán vé số. Thấy bị hỏi nhiều, bé gái hối thúc việc mua vé số để còn đi bán nơi khác cho hết vé.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình trạng chăn dắt trẻ em lao động sớm vẫn đang diễn ra tại nhiều quận, huyện ở TPHCM. Một số nơi còn lập thành các đường dây chuyên nghiệp với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi như bắt trẻ em đóng giả trẻ mồ côi đi ăn xin, bán vé số, bán hàng rong, giả bị tật nguyền, lê lết…

Cạm bẫy bủa vây trẻ em  ảnh 2
Một bé trai mời khách mua vé số trong quán cà phê ở quận 6. Ảnh: Hoàng Thuận

Bị bắt cóc quay clip khiêu dâm

Trẻ em mưu sinh trên đường phố luôn đối mặt với nhiều nguy cơ rình rập. Ngày 3/4, hai chị em bé N.K.T.M (7 tuổi) và L.H.T.L. (3 tuổi), con chị Nguyễn Thị Chi (27 tuổi, quê Phú Yên, tạm trú quận 7), bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Thủ phạm là Phạm Huỳnh Nhật Vi (21 tuổi), quê Tiền Giang.

Thấy chị em cháu M bán kẹo mưu sinh không có người trông coi, thủ phạm đã tiếp cận, dẫn dụ đi theo mình qua nhiều tuyến đường sau đó đưa hai bé về căn hộ ở tầng 10 trong chung cư Saigon Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh). Những ngày sau đó, thủ phạm tiếp tục dùng lợi ích vật chất như tiền và bánh kẹo để giữ hai cháu bé ở lại với mình cho đến khi bị các trinh sát ập bắt giữ ngày 8/4.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình trạng chăn dắt trẻ em lao động sớm vẫn đang diễn ra tại nhiều quận, huyện ở TPHCM.

Thủ phạm khai với cơ quan điều tra, do không có công việc ổn định, được bạn trai ở nước ngoài chu cấp tiền bạc để sử dụng và thuê căn hộ trên vào đầu tháng 4.

Thời hạn thuê là hết tháng 4 với giá 18 triệu đồng/tháng và mục đích làm nơi quay các clip khiêu dâm rồi chuyển ra nước ngoài cho bạn trai. Kiểm tra điện thoại của bị can, cơ quan chức năng tìm thấy nhiều hình ảnh, clip nhạy cảm của các nạn nhân.

Chiều 11/4, trả lời PV Tiền Phong, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm, động cơ, mục đích và đồng phạm (nếu có) để có cơ sở xử lý.

Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 (TPHCM) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi để điều tra về hành vi “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Thượng tá Hà cho biết, Công an TPHCM đang tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng, các hội nhóm kín trên mạng xã hội và theo dõi sát những hoạt động cho nhận con nuôi, hiến tạng để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng cầm đầu.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, Sở sẽ tuyên truyền đến người dân khi phát hiện những đối tượng chăn dắt người lang thang xin ăn cần báo ngay đến công an địa phương và tổ công tác để kịp thời xử lý. Đối với trường hợp là trẻ em thì kịp thời báo ngay về Tổng đài 111 để kết nối địa phương giải quyết và báo cáo kết quả. Ngoài ra, Sở tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác với tổ chức quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Qua đó tuyên truyền, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ tham gia lao động sớm; tăng cường kiểm tra, giám sát tại địa phương.

Cạm bẫy bủa vây trẻ em  ảnh 3

Phạm Huỳnh Nhật Vi lúc bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp

Ngăn chặn mua bán người

Theo ông Hà, lực lượng chức năng của thành phố đang tăng cường rà soát nắm tình hình các trường hợp ăn xin, người lang thang cơ nhỡ. Công an thành phố sẽ phối hợp Sở LĐ-TB&XH TPHCM xác minh, kịp thời phát hiện trường hợp mua bán trẻ em; kiểm tra các khu lưu trú, nhà trọ cho thuê để phát hiện người mang thai hộ, người mua bán thận.

Cơ quan Công an cũng đang trao đổi với các bệnh viện để nắm thông tin các trường hợp mang thai hộ, người hiến tạng để chủ động điều tra xử lý đối với những vụ việc có nghi vấn; nâng cao cảnh giác với nhân thân sản phụ khi nhập viện để ngăn chặn nguy cơ tráo đổi giấy chứng sinh.

“Cơ quan chức năng đang tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho cộng đồng và trẻ em trước các mối đe dọa, bắt cóc. Bên cạnh đó, các đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán người đang được thống kê, lập danh sách theo dõi sát”, ông Hà nói.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH thừa nhận, dù công tác quản lý người lang thang, xin ăn ở thành phố thời gian qua đạt một số hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em.

Công tác tuyên truyền chủ trương không trực tiếp cho tiền người xin ăn vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn; một bộ phận người dân vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền, phát quà từ thiện cho người xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn…

“Đây là một nguyên nhân khiến tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin, lao động trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại”, đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhận định.

MỚI - NÓNG