Cấm bán rượu bia theo giờ khả thi đến đâu?

Cấm bán rượu bia theo giờ khả thi đến đâu?
TPO - Chiều 30/5, trong văn bản kiến nghị gửi các Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc cấm bán rượu bia theo giờ là thiếu khả thi và ảnh hưởng đến ngành du lịch.

Theo VBA, việc cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ không khả thi và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với các chủ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, bởi: Việc cấm này sẽ gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế, bao gồm nhiều doanh nghiệp hợp pháp sử dụng hàng ngàn người lao động đang có việc làm sau 22 giờ hàng ngày. Mặt khác, quy định cấm này cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán khai thác việc kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua – dẫn đến thất thu thuế và sức khỏe người tiêu dùng, các vấn đề xã hội liên quan đến những hành vi trái phép.

  "Tất cả những hệ lụy cần phải được đánh giá đầy đủ và xem xét một cách toàn diện trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết về quy định của Điều Luật mà quy định này sẽ ảnh hưởng hàng ngàn doanh nghiệp và hàng trăm ngàn lao động đang làm việc cho ngành dịch vụ ăn uống, cũng như những tập quán văn hóa, xã hội về ẩm thực thưởng thức thức ăn cùng một ly bia. Việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ sẽ dẫn dắt phát sinh những địa điểm kinh doanh trái phép (không đăng ký kinh doanh) – với những địa điểm này ai sẽ là người kiểm soát? và xử phạt như thế nào?", văn bản của VBA nêu lo ngại.

Ngoài ra, nhà nước sẽ phát sinh nguồn lực thi hành việc kiểm soát – câu hỏi đặt ra ai sẽ là người giám sát, xử phạt? nếu việc thực thi không triệt để sẽ dẫn đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, (ví dụ: địa điểm nào không bị kiểm soát sẽ được bán, còn địa điểm nào bị kiểm soát thì không được bán) – cụ thể trái với Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh trong việc tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch theo quy định tại Điều 6 của Luật Cạnh tranh vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/07/2019. Quy định này sẽ không khả thi, dẫn đến hiệu ứng tiêu cực khi thực thi và chưa có bất kỳ đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi đưa vào Luật.

 Hơn nữa, uống rượu, bia sau 22 giờ đặc biệt phần lớn là khách du lịch. Do đó, quy định này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước khai thác từ du lịch; Bên cạnh đó, quy định này cũng sẽ làm mất đi những cơ hội việc làm trong ngành du lịch và mất đi cơ hội quảng bá ẩm thực Việt Nam đến khách quốc tế.

Trong văn bản kiến nghị, VBA đề xuất những quy định mạnh mẽ hơn để kiểm soát rượu thủ công không rõ nguồn gốc.  Hiện nay trên thị trường có một lượng đáng kể là rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol chứ không phải từ các sản phẩm rượu, bia bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị cần có những quy định cụ thể, khả thi hơn phù hợp với thực tế hiện nay và đề nghị các cơ quan Nhà nước thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.

MỚI - NÓNG