Cải tiến hay cải lùi?

Cải tiến hay cải lùi?
TP - Nói về nguyên nhân của việc hàng loạt giáo viên được nhận về Đồng Hới sai quy định thời gian qua, nhiều người trong ngành giáo dục cho rằng: Ngoài Quyết định 58 của UBND tỉnh Quảng Bình đã giao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng thì việc “tiền hậu bất nhất” trong hai Quyết định 2856 và 715 của UBND thành phố Đồng Hới cũng góp một phần không nhỏ.

> Tuyển giáo viên ồ ạt về thành phố: Tiền trảm, hậu tấu

Ngày 10-8-2009, UBND TP Đồng Hới đã ban hành Quyết định 2856 về việc điều động, tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, viên chức giáo dục. Điều được nhiều người đồng tình là giáo viên về thành phố phải được đào tạo cao hơn mức chuẩn chung của ngành giáo dục. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm thực hiện thì quy chế này bị sửa đổi theo hướng ngược lại.

Theo ông Trần Đình Dinh - Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới người ký quyết định 2856, quyết định này còn giúp loại bỏ nhiều dấu hiệu tiêu cực trong tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên. Ứng viên không có bằng ĐH, học hành chắp vá không thể đáp ứng được yêu cầu cũng bị loại dù có “quan hệ” thế nào đi chăng nữa. Quyết định này ra đời khiến tỷ lệ thuyên chuyển và tuyển dụng trở nên hài hòa. Thành phố đã có được nhiều giáo viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi, trên ĐH.

Được đánh giá ưu việt là vậy, song chỉ mới hơn nửa năm thực hiện, ngày 9-4-2010, cũng chính ông Trần Đình Dinh bất ngờ ra Quyết định 715 bổ sung Quyết định 2856. Theo quyết định này, các giáo viên được tuyển vào dạy cấp THCS chỉ cần tốt nghiệp Cao đẳng chính quy, bằng khá trở lên.

Ông Trần Đình Dinh lý giải: “Ở đây có một trường hợp đặc thù: Một giáo viên được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Do các giáo viên có trình độ ngại về trường này, nên buộc chúng tôi phải sửa đổi quy chế. Cái gì cũng phải có ngoại lệ chứ”.

Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định ngày 9-4-2010 được áp dụng cho tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố, chứ không phải cho một trường đặc thù như cách giải thích của ông Dinh.

Trong lúc đó, ông Trần Viết Cay - Trưởng Phòng Nội vụ TP Đồng Hới, người tham mưu cho UBND TP ra quyết định lại giải thích khác: Do trong quá trình triển khai có phát sinh thực tế là các trường Đại học chỉ đào tạo một chuyên ngành, còn các trường Cao đẳng thường được đào tạo hai môn song song như: Toán - Lý, Toán - Tin, Văn - Sử... “Ở các trường THCS người ta thường linh động trong sử dụng biên chế, nên cần sửa đổi để phù hợp với nhu cầu hơn” - ông Cay nói.

Được hỏi, một giáo viên (xin giấu tên) cho rằng: “Chuyên môn hóa trong giảng dạy là một xu thế mà ngành giáo dục đang hướng đến. Đồng Hới có thừa khả năng để chuyên môn hóa, sao lại không làm?”. Làm như thế liệu có phải đang cải tiến thành cải lùi chất lượng giáo dục?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG