Sáng 29/10, báo cáo Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị cần sửa quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.
“Quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, nên đề nghị không sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong Luật hiện hành. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế”, ông Phúc cho hay.
Liên quan đến số lượng cấp phó tại Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất với các luật về tổ chức bộ máy và chủ trương khoán cấp phó đã được thể chế trong một số văn bản của Đảng về tổ chức bộ máy, dự thảo Luật quy định theo hướng: Tổng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội không quá 40 người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng cấp phó cụ thể của Hội đồng Dân tộc, mỗi Ủy ban của Quốc hội theo yêu cầu công việc. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị chưa đưa nội dung này vào dự thảo Luật mà giữ như quy định tại Điều 67 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến tán thành việc xác định cơ cấu của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên như tại Điều 67 của dự thảo Luật.
“Chế độ chính sách đối với các Ủy viên hoạt động chuyên trách sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để bảo đảm phù hợp với cơ cấu, mặt bằng chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị, không thấp hơn hiện nay và thu hút được cán bộ về công tác tại Quốc hội”, ông Định cho biết.
Về số lượng vị trí cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định số lượng vị trí cấp phó cụ thể của từng cơ quan trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền về quản lý cán bộ trong từng nhiệm kỳ Quốc hội như vẫn đang thực hiện.
Liên quan đến kinh phí và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, ông Định cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, quy định như dự thảo Luật thì vai trò, vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng, khó khách quan, độc lập trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Do vậy, ý kiến này đề nghị quy định theo hướng ngân sách trung ương có trách nhiệm bảo đảm lương, chế độ, chính sách đối với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội, còn địa phương sẽ bảo đảm kinh phí cho hoạt động và trả lương cho đội ngũ công chức của bộ phận tham mưu giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định địa phương bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, trả lương và quản lý đại biểu hoạt động chuyên trách tại địa phương; còn ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các chế độ đặc thù khác của đại biểu.
Sau tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án này.