Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Bộ Luật LĐ sửa đổi
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Bộ Luật LĐ sửa đổi
TP - Tại kỳ họp đang diễn ra, Quốc hội đã dành cả ngày 23/10, để thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Chủ động ứng phó già hóa dân số

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động (LĐ) nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường LĐ. Tuy nhiên, vẫn có 2 quan điểm về vấn đề này. Do đó, Dự luật đưa ra 2 phương án xin ý kiến Quốc hội.

Cụ thể, phương án 1: Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện LĐ bình thường tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện LĐ bình thường với nam là  60 tuổi 3 tháng, và với nữ là 55 tuổi 4 tháng; sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện LĐ bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Kể từ năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, điều kiện làm việc, thị trường LĐ... Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với tình hình hiện nay, khi sức khỏe và tinh thần của người LĐ đã được cải thiện so với trước đây.

“Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi tuổi thọ đang cao thì tuổi nghỉ hưu tương đối thấp so với thế giới, ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế- xã hội nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp”, đại biểu Chính phân tích. Đồng thời dẫn khuyến cáo của ILO, khi Việt Nam cần cân đối Quỹ BHXH vì tuổi thọ đang tăng lên trong khi thời gian đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên; thời gian hưởng lương hưu kéo dài, ngân sách khó đảm bảo chi trả, do đó cần phải xây dựng chính sách hợp lý.

Hiện có phương án là tăng mức đóng BHXH và giảm tỉ lệ hưởng lương hưu xuống, hoặc tăng năm đóng BHXH và kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, phương án đầu tiên không được người LĐ đồng tình, nên tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý và đảm bảo cân đối quỹ BHXH trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của các quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng, như Đức là 62 tuổi và có thể lên 69 tuổi, Nhật cũng nghiên cứu tăng lên 70 tuổi, Singapore đã lên 62 tuổi...

“Thực tế nhiều lao động là người cao tuổi làm việc trong một số lĩnh vực trình độ chuyên môn, tích lũy nhiều kinh nghiệm và là nguồn chất xám vô cùng quý giá”, đại biểu Chính nói thêm.

Giảm thiệt thòi cho người nghỉ hưu sớm

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông), Trần Văn Tiến (Vĩnh phúc), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh)… cũng cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.

Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân LĐ trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật; tăng thời gian nghỉ hưu trước tuổi, hoặc muộn hơn từ 5 năm lên 10 năm; tăng cường tuyên truyền tới người dân, đặc biệt người LĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, phù hợp với xu thế tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng cho tùy từng nhóm đối tượng. Bởi mỗi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đều có tính chất đặc thù cũng như nhu cầu sức khỏe để làm việc đạt hiệu quả.

“Nếu tuổi nghỉ hưu áp dụng chung cho nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi để làm căn cứ tính BHXH, thì người bị suy giảm khả năng LĐ, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... sẽ bị trừ tỷ lệ % lương hưu tương ứng số năm nghỉ trước tuổi, nên rất thiệt thòi đối với người LĐ”, đại biểu Niê phân tích.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, báo cáo tiếp thu và giải trình, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận tăng tuổi nghỉ hưu. Về nhóm lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại, Bộ LĐ-TB&XH đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Qua đó xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực và công việc nặng nhọc, độc hại, với số lượng trên 3 triệu người LĐ sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm. Nếu thêm điều kiện suy giảm sức khỏe thì họ sẽ nghỉ sớm thậm chí tới 10 năm.

MỚI - NÓNG