Cải tạo vỉa hè Hà Nội: Vừa lãng phí, vừa gây bức xúc

Nhiều câu hỏi về chất lượng và sự lãng phí trong thi công vỉa hè
Nhiều câu hỏi về chất lượng và sự lãng phí trong thi công vỉa hè
TP - Tình trạng vỉa hè ở nhiều tuyến phố Hà Nội vừa mới lát, mới cải tạo nhưng đã phải thay mới hoặc bị xuống cấp chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng - đang gây nên sự lãng phí và bức xúc cho người dân.

Sau Đại lễ lại bới tung vỉa hè

Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010, các quận nội thành Hà Nội đã được TP đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác chỉnh trang đường phố, trong đó có việc cải tạo làm mới hàng loạt vỉa hè, hè phố. Thế nhưng, từ đó đến nay năm nào cũng loay hoay cải tạo vỉa hè các tuyến phố. Tình trạng này khiến dân bức xúc vì nhiều tuyến phố chỉ làm được vài tháng đã thấy công nhân đến cậy lên làm lại. Chất lượng thi công các vỉa hè cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi khi mà chỉ vài trận mưa nhỏ là nền đã bị bong tróc nghiêm trọng, thậm chí nhiều nơi còn bị sụt hẳn xuống.

Trong năm 2014, quận Đống Đa đang phải tiến hành cải tạo, sửa chữa lại vỉa hè của 9 tuyến phố trọng điểm như Chùa Bộc-Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng; Giảng Võ-Láng Hạ; Nguyễn Chí Thanh; Cát Linh; Quốc Tử Giám; Văn Miếu; Khâm Thiên; Xã Đàn; Tây Sơn-Nguyễn Lương Bằng-Tôn Đức Thắng. Vỉa hè của các tuyến phố này nhiều đoạn dù nền gạch chỉ hơi cũ nhưng nay lại bị bóc hàng loạt để thay mới. Điều đáng nói, quá trình thi công ẩu, thiết kế nhiều chỗ không phù hợp khiến người dân cảm thấy vỉa hè mới còn xấu xí hơn cũ.

Sáng 2/7, vỉa hè đầu phố Thái Hà (đoạn ngã tư giao cắt với đường Láng Hạ), hàng chục công nhân đang dùng cuốc, xẻng đào bới bóc các lớp gạch cũ lên để thay vào đó lớp gạch mới. Một công nhân ở đây cho biết họ chỉ biết thi công theo chỉ đạo, còn các thông số kỹ thuật phải hỏi lãnh đạo. Thấy phóng viên tác nghiệp, một nhân viên giám sát liền chạy ra hỏi thăm. Anh này cho biết, đoạn vỉa hè này được thi công từ đầu tháng 6 đến nay, với nhiệm vụ chính chỉ là sửa chữa những đoạn không đảm bảo chất lượng hoặc nền gạch quá bẩn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở trên phố Thái Hà, chỉ rõ cho chúng tôi những bất cập như vỉa hè mới làm chỗ cao, chỗ thấp như luống cày, đặc biệt phần bó vỉa mới làm không hạ cốt, mở lối cho người dân đi lại, dắt xe lên hè, buộc người dân phải đặt cầu dẫn bằng sắt, bê tông.

Vừa lãng phí, vừa gây bức xúc

Theo tìm hiểu, đầu tư cho việc cải tạo 1m2 vỉa hè dao động từ 300.000- 600.000 đồng/m2. Trong đó, riêng tiền gạch là đắt nhất, loại thông thường đã có giá thành từ 200.000 – 300.000/m2. Gạch lát vỉa hè chủ yếu được làm từ chất liệu bê tông đổ khuôn sẵn như gạch block với các hình khối và màu sắc khác nhau.

Một số tuyến phố gần đây lại được người ta bóc lên để thay thế bằng gạch tarrazzo hoặc thay mới bằng gạch granite với giá thành đắt hơn nhiều lần so với gạch thông thường. “Việc gạch lát vỉa hè ở nhiều đoạn phố còn khá mới nhưng nay phải bóc lên để lát gạch khác là do có đoạn bị sụt lún, hư hỏng chứ không phải thay thế hoàn toàn cả tuyến phố. Riêng gạch block làm từ chất liệu bê tông đổ khuôn sẵn nên khi bỏ đi không thể tái chế lại và cũng không thể sơn mới được”, ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND quận Đống Đa lý giải.

Theo một chuyên gia xây dựng, cải tạo và duy tu vỉa hè hiện nay chủ yếu do các quận làm chủ đầu tư với hình thức “hỏng đâu sửa đấy”, lỏng lẻo trong công tác đầu tư xây dựng. Thậm chí, nhiều đơn vị thi công các công trình hè phố thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng công trình. Có những đơn vị sử dụng lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm khi tiến hành thi công các dự án. Nhiều đơn vị thi công không xử lý cốt nền kiên cố mà “nhồi” xi măng, cát sỏi vào cho nhanh. Việc không lu, lèn hoàn trả kỹ dẫn đến hiện tượng sụt lún, hư hại.

Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, trước đây việc quản lý duy tu vỉa hè giao cho các Sở ngành quản lý, tuy nhiên từ năm 2013 đã được phân cấp chuyển về các quận, huyện. “Thực tế có những loại gạch lát vỉa hè tồn tại tới 20 năm mà không phai mầu không phải thay thế, nhưng nay nhiều đoạn vỉa hè mới làm đã phải thay rồi. Đúng là thi công vỉa hè nhiều nơi với chất lượng rất kém. Nếu để kéo dài mãi, không có chuyển biến thì chắc chắn rằng sau này nó vẫn thế...”, ông Dục nói.

Ông Dục cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những bất cập hiện nay trong các khâu. Đó là việc chủ đầu tư xây dựng phó thác cho tư vấn, còn đơn vị tư vấn lại đưa ra ý kiến chủ quan mà không có ý kiến của chủ đầu tư. Trong khi đó lại không rõ trách nhiệm các khâu đầu tư - xây dựng, cải tạo - sửa chữa và khai thác - sử dụng, buông lỏng, không ai giám sát, không quy rõ trách nhiệm cụ thể thì đương nhiên sẽ có những hạn chế.

Theo ông Dục, để khắc phục hiện tượng trên, phải cải thiện công tác đầu tư-xây dựng, cải tạo-sửa chữa và khai thác-sử dụng. “Nếu cả ba cái này đều không được cả thì hỏng hết”, ông Dục nhấn mạnh.

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm đơn vị gây lãng phí

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP kiểm tra toàn bộ dự án thi công hè phố Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu để làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan từ khâu phê duyệt, thiết kế, tổ chức thi công, nghiệm thu công trình, từ đó có hình thức xử lý trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân có sai phạm. Đồng thời, rà soát lại các dự án chuẩn bị đầu tư, không để xảy ra các tồn tại tương tự.

MỚI - NÓNG