Trong vụ án Lê Văn Luyện “giết người”, “cướp tài sản” do TAND tỉnh Bắc Giang vừa kết thúc xét xử sơ thẩm, có 4 bị cáo đều bị phạt tù giam về tội “che giấu tội phạm”, trong đó có Lê Thành Nghi - chú rể của Lê Văn Luyện. Theo bản án đã tuyên, ông Nghi bị phạt 15 tháng tù giam, mức án ngang bằng với bị cáo Lê Thị Định - vợ ông Nghi và là cô ruột Lê Văn Luyện.
Hai bị cáo Nghi và Định đều cho rằng họ không phạm tội “che giấu tội phạm”, song theo hồ sơ của CQĐT và diễn biến phiên tòa sơ thẩm, có thể nhận thấy hai bị cáo này bị tuyên phạm tội “che giấu tội phạm” là có cơ sở thực tế và căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, khi vụ án mới được khám phá, qua phát biểu chính thức của nhiều cán bộ Bộ đội biên phòng và cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn (đã được báo chí đăng tải), bạn đọc hẳn vẫn nhớ ông Nghi chính là người đã sang lại Trung Quốc, tìm gặp và đưa Lê Văn Luyện trở về Việt Nam.
Chiều 31-8-2011, khi Luyện sắp sửa đi qua cột mốc 1057 để vào địa phận xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, ông Nghi kịp thời điện báo trước cho cán bộ Đồn Biên phòng Na Hình, vì thế nên khi Luyện vừa đặt chân vào đất Việt Nam, đối tượng lập tức bị bắt giữ…
Hành vi của các bị cáo Lê Văn Miên (bố đẻ), Trương Thanh Hồng (anh họ), Lê Thị Định (cô ruột), Lê Thành Nghi (chú rể) che giấu cho Lê Văn Luyện là nguy hiểm cho xã hội, gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án; việc xử phạt tù giam các bị cáo là có căn cứ.
Tuy nhiên, ông Nghi sau khi phạm tội đã tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng bắt giữ Luyện, có thể coi đây là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt mang tính “đoái công chuộc tội” của bị cáo này.
Ông Nghi cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, như nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn; mặt khác, ông là người dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật hạn chế, vợ ông cũng bị tuyên phạt tù trong vụ án này…
Xét nhiều mặt cả lý và tình, thiết nghĩ không cần tuyên phạt tù giam mà chỉ cần “cải tạo không giam giữ” cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo đối với bị cáo này.