Cải cách thủ tục hành chính là yếu tố sống còn của đất nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
TPO - Cải cách thủ tục hành chính góp phần rất quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - đây là yếu tố sống còn của đất nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập quốc tế sâu rộng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói như vậy tại cuộc làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương nhằm kiểm điểm, đánh giá việc triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) sáng ngày 31/3. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số Bộ, ngành hữu quan.

Theo Thủ tướng, cải cách TTHC giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó tăng cường lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của đất nước, lòng tin của người dân đối với bộ máy Nhà nước. 

“Nhà nước của dân, do dân, vì dân; nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ chính là ở đây. Bây giờ không phải bằng lời nói nữa mà phải bằng hành động, việc làm cụ thể” - Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách TTHC là khâu đột phá, một nhiệm vụ điều hành trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng chương trình, hoàn thiện giải pháp, kế hoạch triển khai một cách cụ thể, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định, quy trình, quy chế có tính chất pháp quy để đơn giản hóa hoặc loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp, không cần thiết.

Một giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. “Công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng đối với tất cả những cải cách này. Phải coi đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế và BHXH, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời tăng cường công tác thông tin, truyền thông và phát huy sự giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp; các hiệp hội doanh nghiệp và báo chí đối với công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính thuế và BHXH nói riêng.

“Vấn đề còn lại là quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện. Phải đề cao trách nhiệm đến từng cán bộ, công chức. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy hoặc bố trí công việc khác đối với những người không còn phù hợp” - Thủ tướng nêu rõ và một lần nữa yêu cầu đến cuối năm 2015, ngành thuế phải giảm được 415,5 giờ thực hiện thủ tục nộp thuế xuống còn 121 giờ/năm và ngành BHXH phải giảm được 285,5 giờ thực hiện thủ tục BHXH xuống còn 49,5 giờ/năm.

Trước đó Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu, phấn đấu năm 2015 nộp thuế điện tử tăng từ 8,5% hiện nay lên 90%. BHXH thực hiện sớm giải pháp giao dịch điện tử. Ngoài ra, ông Ninh đề nghị ngành thuế sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nộp thuế qua mạng đối với trên 10 triệu đối tượng nộp thuế sử dụng đất và 20 triệu đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân mỗi năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, phải truyền cảm hứng thay đổi từ cuộc họp này đến từng cán bộ, công chức. “Nếu áp dụng công nghệ thông tin thì cán bộ, công chức đâu còn tiếp xúc với ai. Đó thực sự là một cuộc cách mạng dù rằng tự thay đổi mình là khó nhất, không dễ dàng gì”, ông Vinh nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.