Dùng máy soi giảm 5-10 lần thời gian
Tại Cục Hải quan Bình Dương, máy soi chiếu container được đưa vào hoạt động từ ngày 15/3/2013 tại Khu kiểm tra hàng hóa tập trung, thuộc Chi cục Hải quan quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) ngoài khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, nhờ có máy soi, việc kiểm tra hàng hóa được tiến hành nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí, soi được mọi ngóc ngách của container. Trung bình chỉ mất từ 3-6 phút/1 container, giảm từ 5 đến 10 lần so với kiểm tra thủ công.
“Ngoài rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp (DN), việc kiểm tra bằng máy soi còn tiết kiệm được nhân lực do không phải xếp dỡ hàng hóa thủ công; Tiết kiệm chi phí hạ nâng container, nhân công bốc xếp cho DN; Hàng hóa của DN không bị xáo trộn, hư hỏng do các điều kiện khách quan như thời tiết…Qua hình ảnh soi chiếu có thể thấy được hình ảnh trong toàn container, nếu có nghi vấn sẽ chuyển kiểm tra thủ công, qua đó ngăn đe các DN có ý định gian lận thương mại, buôn lậu”, ông Giang cho hay.
Hiện nay ở Hải quan Bình Dương, máy soi đã hoạt động ổn định với số lượng hàng soi chiếu khoảng 70-100 container/ngày. Từ đầu năm đến 15/6/2016, đã soi chiếu được 1.851 container/1.167 tờ khai. Qua đó, phát hiện một vụ vi phạm khai sai số lượng khai báo.
Tuy nhiên, theo ông Giang, việc kiểm tra hàng qua máy soi cũng có những bất cập nhất định. Chẳng hạn, hàng hóa trong container không đồng nhất về chất khó xác định chính xác những gian lận, nếu có. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra (luồng đỏ) đóng chung container với hàng hóa thuộc tờ khai miễn kiểm tra thực tế sẽ khiến việc xác định được số lượng, chủng loại mặt hàng khó khăn. Hệ thống dữ liệu điện tử của hải quan chưa được tích hợp kết nối với hệ thống được trang bị trên máy soi container, do đó, các cán bộ hải quan phải nhập thủ công từng bộ hồ sơ vào hệ thống máy soi, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hải quan đánh giá DN dựa trên tính tuân thủ pháp luật, trên tinh thần tạo thông thoáng cho hoạt động XNK, nếu DN gian lận sẽ khó đạt yêu cầu về số lượng container quy định phải soi chiếu mỗi ngày.
Hải quan và Doanh nghiệp cùng soi
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, 6 tháng đầu năm, cục đã tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua hình thức email, điện thoại...cho 36 DN và tháo gỡ vướng mắc trực tiếp tại trụ sở cho 10 DN; Tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với Hiệp hội DN Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và 7 Hội nghị đối thoại với DN tại các Chi cục trực thuộc...Lĩnh vực vướng mắc chủ yếu là thủ tục sửa mã số hàng hóa đã khai sai; xử lý nguyên phụ liệu dư thừa; thuế xuất nhập khẩu; xử lý nợ thuế, báo cáo quyết toán và vướng mắc trong việc kết thúc hợp đồng gia công....
Cục Hải quan Bình Dương đã trang bị hệ thống camera giám sát tại 9/9 điểm thông quan hàng hóa thuộc 7/7 Chi cục Hải quan trực thuộc. Nhờ hệ thống camera này, lãnh đạo các chi cục có thể giám sát công việc của cấp dưới, đặc biệt là việc tiếp xúc với doanh nghiệp đã đúng với tuyên ngôn phục vụ khách hàng hay chưa; Hơn nữa, màn hình theo dõi camera được lắp đặt ở ngoài sảnh Chi cục giúp người dân, doanh nghiệp theo dõi, đảm bảo sự công khai, minh bạch.
Ngoài ra, Hải quan Bình Dương cũng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giao ban trực tuyến, mời DN đến tham dự để cùng chia sẻ, giải đáp những vướng mắc kịp thời nhất. Theo ông Giang, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại giúp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Cục chủ trương hạn chế tối đa việc cán bộ công chức tiếp xúc với DN tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà cho họ.
Với những “mắt thần” này, Hải quan Bình Dương đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, và cũng là đơn vị có con số trên 1,1 triệu tờ khai (đúng thứ 3/34 Cục Hải quan cả nước), kim ngạch xuất nhập khẩu trên 34 tỷ USD. “Lượng tờ khai cũng như kim ngạch này theo đánh giá của chúng tôi thì sẽ tăng từ 10% – 12%/năm.” – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương tin tưởng.
Do đặc thù của máy soi chiếu có tia X ảnh hưởng đến sức khỏe người vận hành máy, mới đây, Hải quan Bình Dương đã đề nghị cần có chế độ bồi dưỡng độc hại cho công chức phù hợp hơn. Với mức bồi dưỡng chế độ độc hại là 1 triệu đồng/người/tháng hiện chỉ cho phép có 4 người/máy soi. Trong khi thực tế, 8 công chức phải luân phiên vận hành máy soi container di động.