Trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018

Cải cách để tận dụng triệt để FTA

Theo cộng đồng doanh nghiệp, rào cản của Việt Nam trong thu hút công nghệ cao vẫn liên quan nhiều đến thuế và hải quan. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, rào cản của Việt Nam trong thu hút công nghệ cao vẫn liên quan nhiều đến thuế và hải quan. Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn.
TP - “Cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm được con đường xuất khẩu riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp”, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thương mại thế giới nửa đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng hơn khi các đe dọa bảo hộ, trừng phạt và sau đó là trả đũa từ các nền kinh tế lớn đang dần hiện thực hóa.

Những biện pháp bảo hộ - trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo ông Lộc nếu trở thành hiện thực có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong lâu dài.

Ở chiều tích cực, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường ở Hoa Kỳ khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Cũng như vậy, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc dự kiến áp thuế cao đối với Hoa Kỳ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường. Căng thẳng về đầu tư Mỹ-Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Hoa Kỳ.

Ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc, thị trường nội địa và cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu (XK) buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, XK của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn (đặc biệt rủi ro khi kim ngạch XK vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017).

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI bày tỏ lạc quan khi thương mại Việt Nam với thế giới may mắn chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng lo lắng như tăng trưởng XK giảm dần qua các tháng, đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung) giảm; Hàng hóa XK Việt Nam, đặc biệt là thủy sản gặp trở ngại mới ở các thị trường lớn. Hoa Kỳ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam.

Một hạn chế nữa của Việt Nam trong thu hút công nghệ cao đó là các rào cản liên quan đến thuế và hải quan gây nhiều khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp (DN), cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý.

Liên kết doanh nghiệp - Lợi ích chung

Theo ông Tomaso Andreaatta đồng chủ tịch VBF, để giúp nền kinh tế Việt Nam và các DN phát triển, trước hết, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng cao ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Mặt khác, giảm gánh nặng thuế và hải quan sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các Cty trong nước để đầu tư vào kiến thức và công nghệ, thu hút các Cty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa, mở cánh cửa hợp tác giữa hai bên.

Đáng chú ý, chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần khắc phục tình trạng thanh tra kiểm tra tràn lan. Việc lựa chọn doanh nghiệp nào để đưa vào diện thanh tra kiểm tra cũng cần thực hiện khách quan, bằng máy móc để tránh tính trạng bảo kê bỏ qua hay lạm dụng để kiếm tiền.

Ngoài ra, cộng đồng DN cũng kiến nghị tới VCCI và Chính phủ cần  tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).         

Chính phủ yêu cầu tất cả các Bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu.

MỚI - NÓNG