Michael Spence, nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, vừa đề cập khái niệm này trong cuốn The next convergence: The future of economic growth in a multispeed world (tạm dịch: Sự tích hợp kế tiếp: Tương lai của tăng trưởng kinh tế trong thế giới đa tốc).
Spence viết: “Khái niệm bẫy thu nhập trung bình là một phần của tiến trình tăng trưởng, xảy ra khi GDP đầu người của một quốc gia đạt từ 5.000 – 10.000 USD. Lúc này, những ngành công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn đầu bắt đầu trở nên kém cạnh tranh vì lương phải trả cho nhân công tăng lên (do trước đó có lợi thế vì nhân công rẻ - NV).
Những ngành sử dụng nhiều lao động này sẽ có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang những nước có nhân công rẻ hơn và bị thế chân bởi những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, nhiều chất xám.
Quá trình này phát sinh rất nhiều vấn đề. Xã hội sẽ tạo ra lực cản, níu giữ những thành công trước đó. Các “chiến thuật” của nền kinh tế được ứng dụng để cưỡng lại sự thay đổi rất đa dạng: trợ giá, gia tăng bảo hộ dưới dạng thuế quan, điều chỉnh tỷ giá hối đoái để hạ chi phí xuất khẩu… Sẽ có những nhóm lợi ích bị đụng chạm và sẽ cố gắng ngăn chặn sự chuyển dịch, thay đổi.
Kết quả là, tăng trưởng nhiều khả năng bị chặn lại”. (Điều này đã xảy ra ở khá nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ như Hàn Quốc, Singapore - NV). Spence viết tiếp: “Như ở Hàn Quốc, các chính sách được hiệu chỉnh để thúc đẩy, thay vì cản trở, sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế vi mô. Điều này cũng xảy ra ở Singapore và Hong Kong (trước khi đặc khu này được chính thức trả lại Trung Quốc từ tay Anh)...
Tôi đến Hàn Quốc khi nước này đang ở giai đoạn thu nhập trung bình. Khắp nơi người ta lo ngại về việc mất động lực tăng trưởng. Những ngành sản xuất sử dụng nhiều nhân lực đang dần chuyển qua Trung Quốc mở nhà máy. Công ăn việc làm của người dân mất đi, nhiều ngành công nghiệp bị đe dọa. Báo chí lên tiếng về những việc cần phải làm để bảo vệ tính cạnh tranh của những ngành kinh tế đang suy thoái, bảo vệ công ăn việc làm của người dân. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Không bình thường là ở chỗ chính phủ thấy rằng chuyển đổi cơ cấu là không thể tránh khỏi nếu lương tiếp tục tăng. Do đó, chính phủ Hàn Quốc quyết liệt thay đổi đường lối, chuyển hướng tập trung chính sách cũng như đầu tư công từ những ngành sử dụng nhiều lao động sang nhóm giáo dục, ứng dụng nghiên cứu.
Đồng thời, Hàn Quốc ra sức lôi kéo những trí thức hàng đầu đang ở ngoại quốc về nước làm việc. Cùng với đó là rút vốn từ những ngành công nghiệp “mũi nhọn” trước đây, đầu tư và tạo động lực nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Các Cty Hàn Quốc, những người khổng lồ trong thời kỳ phát triển với chi phí thấp, giờ đây đầu tư phát triển các thương hiệu toàn cầu.
Chúng dần trở thành các trung tâm nghiên cứu. Samsung, hãng chuyên sản xuất đồ gia dụng, đã khiến phương Tây ngạc nhiên khi tuyên bố sẽ phát triển và sản xuất chip bán dẫn, điều mà giới kỹ thuật Âu- Mỹ coi là “điên rồ”. Nhưng 10 năm sau khi lời tuyên bố được đưa ra, Samsung sản xuất những thẻ nhớ 256 megabit đầu tiên, một mốc quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những lời chế giễu im bặt… Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng và giờ đây đang tiến đến khu vực nước có thu nhập cao”...
Theo Spence, những thứ diễn ra trong giai đoạn thu nhập trung bình là sự kết hợp của những chuyển động tích cực và tiêu cực. Khi thu nhập tăng lên, quốc gia sở hữu những ngành công nghiệp chế biến, sử dụng nhiều lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng tương đối thấp trở nên không còn cạnh tranh với những quốc gia kém phát triển hơn và quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra.
Lúc này, công nghiệp dịch vụ sẽ tăng trưởng đáng kể để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng số lượng và mức độ tiêu dùng. Nền kinh tế buộc phải chuyển đổi và đầu vào chính cho nó là giáo dục, nghiên cứu và tiến trình đô thị hóa.
Những gì mà Michael Spence nói chắc chắn rất đáng để Việt Nam suy ngẫm.