Ở Việt Nam, hiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, suy dinh dưỡng (SDD) khiến cơ thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khá cao. Hiện chiều cao nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn quốc tế; còn với nữ trung bình là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn.
Thậm chí, so với thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thanh niên nước ta đều kém hơn. Ngoài ra, do thiếu vận động, nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn quốc tế. Đây là một vấn đề ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), tình trạng SDD và thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi của nước đang ở mức báo động và chúng ta vẫn đang ở Top các nước có tỷ lệ trẻ em SDD và thấp còi lớn nhất thế giới. Hiện có khoảng 28% là trẻ SDD thấp còi, như vậy cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ đang bị SDD thấp còi, tương đương với khoảng 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Ông An cho biết, trẻ bị SDD thấp còi có thể bị ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực, quá trình học tập vì thiếu các chất dinh dưỡng. Hệ lụy là lực lượng lao động sau này yếu, thiếu và chất lượng không cao. “Và một vòng lẩn quẩn tiếp theo của cả một đất nước. Cho nên, việc hấp thu dinh dưỡng là rất quan trọng”- ông An nói.
Một thực tế, tình trạng SDD ở trẻ em còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Trong khi tại các thành phố, thị xã đang phải đối mặt với tình trạng trẻ em béo phì, thừa dinh dưỡng, ở các tỉnh nghèo, vùng núi vẫn còn rất nhiều trẻ em bị đói ăn, SDD. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em SDD cả 2 thể thiếu cân và thấp còi ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên còn rất cao so với mức trung bình cả nước, cũng như so với các vùng khác.
Sữa học đường cải thiện thể trạng
Để góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em mầm non và tiểu học, đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ về dinh dưỡng giữa trẻ em ở các vùng, nhất là huyện nghèo, cần thiết phải có một chương trình sữa học đường (SHĐ) cho lứa tuổi trên. Qua nghiên cứu cũng như thực nghiệm cộng đồng, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em qua uống sữa có chuyển biến rõ rệt.
Bà Trần Thị Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu (địa phương đầu tiên triển khai chương trình sữa học đường) cho biết, qua 7 năm thực hiện, chương trình SHĐ rất được quan tâm của chính quyền địa phương, phụ huynh rất phấn khởi, đưa con đến nhà trẻ, mẫu giáo ngày một đông hơn. Năm học 2012- 2013, số trẻ vào so với năm học trước của tỉnh tăng hơn 4.000 trẻ. Theo bà Yến, qua chương trình SHĐ, tỷ lệ SDD của trẻ giảm rõ rệt. Trước khi thực hiện, tỉnh có tỷ lệ trẻ mầm non SDD là 10%, đến nay chỉ còn 3%; tỷ lệ thấp còi cũng giảm đáng kể, chỉ còn 5% ở các trường học.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh, đơn vị thứ 2 triển khai chương trình SHĐ cho biết, khi triển khai chương trình, hầu hết các cháu đều khỏe, dinh dưỡng được cải thiện nên cháu nào cũng tăng cân, phát triển chiều cao. Tình trạng SDD thấp còi cũng giảm đáng kể. Theo ông Bưởi, trong giai đoạn 2013 đến 2017, tại Bắc Ninh, trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi đang học mầm non sẽ được uống sữa 3 lần/tuần trong suốt năm học.
Ông Robert Groves, đại diện Tetra Pak Việt Nam - đơn vị tư vấn kỹ thuật cho chương trình SHĐ tại Việt Nam cho biết, chương trình SHĐ đang triển khai tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Bắc Ninh cho thấy, chính quyền địa phương có kế hoạch ít nhất 5 năm và cam kết hỗ trợ 50% tiền cho SHĐ từ ngân sách nhà nước và 50% từ phụ huynh đóng góp và các nguồn xã hội hóa khác. “Tôi rất phấn khởi khi biết rằng một số tỉnh, thành khác đang cân nhắc chương trình của tỉnh và Chính phủ đang cân nhắc đến chương trình SHĐ quốc gia. Trên thế giới, mô hình SHĐ có lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển. Hiện nay, chương trình đang lan rộng trên toàn cầu và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề SDD, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tụê, nâng cao kết quả học tập”- ông Robert Groves nói.