Cách ly ở Việt Nam lên báo Anh: Rắc rối 'khu phụ'

Hạ tầng du lịch cần văn minh, hiện đại
Hạ tầng du lịch cần văn minh, hiện đại
TP - Một số du khách người Anh đang cách ly ở Việt Nam vừa có một phen làm mất hình ảnh chủ nhà khi đưa lên báo Anh những bức ảnh nhà vệ sinh mà họ cho là “hoàn toàn kinh tởm”, “thiếu tôn trọng”... Vấn đề nữa là, đọc bình luận phía dưới thì thấy phản ánh chính xác sự phân hóa của người Việt trong quan niệm về sạch-bẩn, tôn trọng hay không tôn trọng, văn minh - không văn minh...

BỖNG DƯNG THÀNH TÂM ÐIỂM BÁO CHÍ ANH

Xem bức ảnh nhà vệ sinh, được biết là tại một bệnh viện ở Lào Cai, do vợ chồng du khách Anh tên Glenys và Eric Holmes đưa lên báo Sky News, quả thực thấy quen lắm. Ngoài vòi rửa lavabo cũ kỹ vỡ gãy thì bồn cầu cũng cáu bẩn thâm xịt, và đặc biệt cạnh đó là cái thùng nhựa to màu đỏ để đựng nước chảy ra từ cái vòi nhìn cũng rất “ghê”.

Quen là vì tôi từng được hưởng khung cảnh này rồi, tại Bệnh viện Saint Paul gần chục năm trước. Đa số bệnh viện khác ở Hà Nội cũng thế thôi.

Hồi đó tôi phải nằm viện làm một tiểu phẫu. Một hôm cô em dâu (ơn Chúa nay đã ly dị ông em trai) vào, tôi bình thường ít nhờ vả nhưng hôm đó cô ấy lại tình nguyện đi lấy hộ ca nước để súc miệng. Súc miệng xong tôi đi vào khu phụ thấy nghi nghi bèn quay ra hỏi: Nãy lấy nước ở đâu? Thì cô thản nhiên cho biết là nước đựng trong cái thùng nhựa y như cái thùng trong bức ảnh của vợ chồng người Anh kia.

“Ngành Du lịch dạo này đặt lắm mục tiêu. Làm gì thì làm hãy giải quyết cho được cái nhà vệ sinh tử tế văn minh rồi tính tiếp”.


Nhà văn LÊ MINH KHUÊ

Thùng này để trữ nước, nên bên trong lên rêu và nhớp nhúa còn bên ngoài cáu bẩn do lâu ngày không cọ rửa. Nước trong thùng cùng lắm để rửa chân, còn thì vẫn có vòi ở lavabo cơ mà. Thế mà con người quí hóa kia cho tôi súc miệng bằng nước múc từ thùng đó bằng cái ca nhựa cũng cáu bẩn như thùng đó. (Thùng nước của du khách Anh trông khá hơn nhiều).

Đang là bệnh nhân hậu phẫu nhưng máu nóng bốc lên, không nhịn được tôi mắng luôn: Nghĩ cái ca đó, thùng đó, nước đó đáng để tôi tống vào họng lắm à, có biết thế nào là sạch là bẩn không?

Khỏi phải nói, cô em quý hóa mắt tròn mắt dẹt, cô ấy vốn xuất thân từ vùng quê nghèo khó. Nhưng buồn cười là mấy vị người nhà bệnh nhân cùng phòng, mà nhìn qua biết ngay gốc gác, rỗi hơi thế nào lại chõ sang: Làm gì mà loạn lên, có nước mà dùng là tốt lắm rồi, lại còn phân biệt nước ở vòi với chả ở thùng…(Họ mà biết sau này tôi chỉ đánh răng bằng nước đun sôi để nguội thì còn sốc đến đâu).

Nói thật là khi viết đến đây, tôi vẫn còn thấy tởm, nhớ lại mình từng tống thứ nước đó vào mồm. Thật sự là không đáng để giặt quần áo.

Cặp vợ chồng trên kia lên báo Anh kể rằng chuyến đi của họ ban đầu rất tốt đẹp với chặng Hà Nội - Sa Pa nhưng sau đó trở nên tồi tệ. Vì chung chuyến bay với bệnh nhân thứ 17 nổi tiếng, đang du ngoạn thì họ được đưa vào cách ly ở bệnh viện.  “Các căn phòng đầu tiên người ta đưa chúng tôi tới không có cả bồn cầu. Chỉ có một cái lỗ trên nền nhà. Ga giường thì bẩn thỉu”. Họ tả sàn nhà vừa dơ dáy vừa có gián, giường cũng bẩn và ố màu. “Thật sự là sự thiếu tôn trọng, không thể chấp nhận được”. Sau đó vì phản đối nên họ được chuyển sang phòng khác đỡ hơn nhưng vẫn thất vọng tràn trề.

Một cặp khác, cũng là hành khách của chuyến bay lịch sử VN0054-ông bà Graham Craddock cũng phàn nàn trên báo Anh về điều kiện vệ sinh mà theo mô tả thì giống hệt vợ chồng Holmes trên kia. Con gái của họ đang ở nhà nhưng cũng lên BBC tỏ ý lo lắng bất an về điều kiện cách ly của bố mẹ, nơi có gián và chuột. Sau khi bố mẹ cô than phiền thì cũng được chuyển sang phòng đỡ hơn.

Hàng loạt báo Anh đưa bài vụ này: BBC, Guardian, Sky News, Daily Mail, Mirror… Như vậy là vận đen của các du khách đã kéo theo vận rủi của nước chủ nhà khi mà “nhà bao việc” lại còn mang tiếng “kém văn minh”, “thiếu tôn trọng” người cách ly.

NHÀ VỆ SINH KHÔNG CHỈ LÀ NHÀ VỆ SINH

“Nhà vệ sinh không chỉ là nhà vệ sinh” hóa ra không phải quan niệm của riêng tôi mà được Ủy ban tổ chức Ngày Vệ sinh Thế giới cổ động hẳn hoi.  NVS, đó là nơi bảo vệ sức khỏe và sự sống, là cơ hội tiến bộ của con người, biểu hiện của nền văn minh nhân loại.

Nhưng quan niệm sạch-bẩn của mỗi người lại có khoảng cách lớn. Ví dụ nhiều người trong đó có tôi, cho rằng NVS luôn phải khô thì mới gọi là sạch trong khi số khác không cho như vậy. “Thế là sạch lắm rồi, chê bôi nỗi gì” là câu cửa miệng của đội này về chất lượng của NVS nào đó, trong khi đội kia không chấp nhận nổi, nhất là những người không hề coi NVS là khu phụ. Thường người dân các nước tiên tiến cho rằng NVS phải là nơi sạch và đáng quan tâm nhất trong nhà.

Dưới các bài báo của Anh trên kia, kể cả báo Người Việt ở hải ngoại hoặc kênh BBC tiếng Việt, bạn đọc bình rôm rả: “Thế là được lắm rồi”, “Chạy dịch mà vẫn kén cá chọn canh” (đang nói chuyện vệ sinh thì lại cá với canh vào đây?-DPV), “Đòi hỏi chu đáo trong khi nhà người ta gặp nạn thì nên không”, “Bác sĩ, y tá, nhân viên làm ở bệnh viện đó có được điều kiện tốt hơn không mà đòi”, “Ủa ai mượn qua chi? Bị bệnh người ta trị cho còn nói này kia. Về nước mà điều trị! Tiễn vong!”…

Trái lại, cũng nhiều người cho rằng các du khách Anh phàn nàn là đúng, rằng con gái ông bà Craddock nói năng điềm đạm thôi và lo là phải bởi “các khu vệ sinh công cộng của ta, kể cả trường tiểu học cho đến đại học đều mất vệ sinh” “Bệnh viện Việt Nam thì bẩn nhất rồi”… vân vân.

Rất chi là phân hóa.

Như cô “cựu em dâu” tôi, hẳn cho là nước trong thùng đầy nhớt và ám mùi NVS công cộng đó sạch lắm rồi, nên đã để tôi tận hưởng. Thế mới nói, quan niệm sạch-bẩn là vấn đề phải bàn dài dài. Tưởng sạch trong khi cực bẩn thì gay go!

Vụ lùm xùm du khách Anh (trước đó là du khách Hàn ở Đà Nẵng), tôi cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã chơi đẹp khi miễn phí cách ly và điều trị không phân biệt bất cứ ai từ đâu tới, nhưng cho dù hạ tầng còn khó khăn đến đâu, thì vấn đề vệ sinh phải được chú trọng không kém gì chữa trị. Để giữ sạch có đến nỗi quá khó, bất khả thi không? Khi mà giữ vệ sinh cũng chính là phòng bệnh và chữa bệnh? Và “phòng” cả những cuộc khủng hoảng truyền thông không đáng có nữa.

Cách ly ở Việt Nam lên báo Anh: Rắc rối 'khu phụ' ảnh 1 Hình ảnh trên báo chí Anh về điều kiện vệ sinh bị các du khách Anh (đang cách ly ở Việt Nam) phàn nàn

“KHỦNG HOẢNG VỆ SINH TOÀN CẦU”

Vào “Ngày Vệ sinh Thế giới” 19/11 năm ngoái, Liên Hiệp Quốc hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng vệ sinh toàn cầu. Có nghĩa, cuộc khủng hoảng này đâu chỉ là vấn đề của Việt Nam ta.

Theo Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), thống kê năm ngoái cho thấy: 4,2 tỷ người trên thế giới sống mà không có dịch vụ vệ sinh đảm bảo và quản lý an toàn. Cho nên mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015-2030 là: “Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”. Trong đó, quan tâm đặc biệt nhu cầu của phụ nữ và những người dễ bị tổn thương. Và “dù bạn là ai và ở đâu, quyền được tiếp cận NVS an toàn là quyền con người”. 

 Bộ Tài nguyên và Môi trường thì dẫn báo cáo năm 2018 của tổ chức Cứu trợ Nước quốc tế  thống kê: Tại Việt Nam, bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 10 vạn dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ. Gần một nửa bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường. Ngân hàng Thế giới thì ước tính Việt Nam mất 16 nghìn tỷ đồng mỗi năm do vệ sinh kém.
Thế là đâu chỉ thiệt hại về người mà còn về tiền của nữa, chỉ vì điều kiện vệ sinh tồi tệ.

MỚI - NÓNG