Cách khử trùng nước bị nhiễm bẩn sau mưa lũ

Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước. Ảnh minh hoạ: Internet
Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Sau mưa lũ, ngoài nhiều dịch bệnh nguy hiểm rình rập, đe doạ người dân thì việc làm sao để có nước sạch sử dụng khi các nguồn từ sông, suối, ao hồ, giếng... đều bị chất thải của người, xác động thực vật, gia súc làm ô nhiễm. BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng có những hướng dẫn rất cụ thể để người dân có thể tự xử lý được nguồn nước sinh hoạt an toàn.

Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1g phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.

Sau đó nước cần được khử trùng bằng choloramine B hoặc clorua vôi. choloramine B dạng viên 0,25g rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại,… một viên 0,25g dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được.

Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dùng để nấu nước uống và chế biến thức ăn.

Các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

Môi trường sống bị ô nhiễm do các chất phế thải của động vật và thực vật, xác súc vật. Sau lũ lụt cần khẩn trương dọn vệ sinh môi trường: vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà. Lau rửa sạch sàn nhà, thau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch dụng cụ chế biến thức ăn. Khơi thông cống rãnh, không để nước đọng. Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và phun thuốc phòng dịch bệnh…

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.

Theo đó, cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

MỚI - NÓNG