Cách đánh giá đẳng cấp nhà khoa học

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích xếp hạng. Ảnh: Diệp An
Các nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích xếp hạng. Ảnh: Diệp An
TP - Mới đây, tạp chí PLoS Biology (Mỹ) công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus, trong đó có nhiều nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, việc xem xét chỉ dựa trên trích dẫn là chưa đủ để đánh giá đẳng cấp của một nhà khoa học.

Theo TS Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, các tiêu chí đã được dùng để đánh giá đẳng cấp trích dẫn khoa học của một nhà nghiên cứu gồm tổng số trích dẫn được chuẩn hóa, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), chỉ số trích dẫn theo vị trí tác giả, chỉ số tự trích dẫn và không tự trích dẫn. “Như vậy, có thể thấy đẳng cấp trích dẫn khoa học được xem xét khá toàn diện, không phải thuần túy là tổng số trích dẫn khoa học mà một nhà nghiên cứu có được”, ông nói.

TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, cho rằng, bất kỳ bảng xếp hạng nào đưa ra cũng sẽ có những nhược điểm nhất định và có thể còn sai số khi đo lường. Nhưng những tiêu chí trong các phương pháp đánh giá đều cho ra những con số cụ thể, thay vì những nhận định cảm tính, do đó vẫn đem lại ý nghĩa. Điều này cũng không có nghĩa là những nhà khoa học không có tên trong danh sách thì không giỏi bằng những người có tên. “Người làm khoa học nghiêm túc thật ra rất đơn giản. Cái họ quan tâm nhất là những vẻ đẹp mà họ tìm thấy trong quá trình nghiên cứu của mình. Bài vở, H-index, giải thưởng, xếp hạng... là những thứ họ cần biết, cần quan tâm vì đó là những công cụ, luật lệ... mà nghề của họ yêu cầu, chứ chắc chắn không thể là thứ họ quan tâm nhiều nhất. Vậy nên, hãy để nhà khoa học được làm khoa học”, ông Hiệp nhận định.

TS Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhận định, việc công trình nghiên cứu được trích dẫn cao và được ứng dụng vào thực tiễn để phát triển thành các công nghệ, chính sách giúp ích cho cuộc sống hoặc có giá trị thương mại cao thường là hai khái niệm khác nhau. Số lượng trích dẫn khoa học chỉ dừng ở khía cạnh nhận diện cho các công trình nghiên cứu, chứ việc được trích dẫn cao chưa phải là yếu tố quyết định cho giá trị đích thực của công trình nghiên cứu.

Là người có mặt trong danh sách nói trên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, chỉ số trích dẫn không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá sự ảnh hưởng của nhà khoa học, nhưng đây là chỉ số rất quan trọng, đôi khi là quan trọng nhất. Theo ông, nếu các kết quả nghiên cứu của một nhà nghiên cứu không được trích dẫn thì không thể nói nhà nghiên cứu đó có ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học.

Nội lực Việt Nam

Từ số liệu công bố của tạp chí PLoS Biology, TS Út nói rằng, trong tốp 100.000 nhà khoa học có trích dẫn hàng đầu thế giới có hai danh sách được quan tâm là danh sách nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học xét theo thành tựu trọn đời và theo năm.

Ông nhận định, có sự tăng mạnh số nhà nghiên cứu của Việt Nam trong tốp các nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học nhiều trên toàn thế giới. Xét về đội ngũ giảng viên cơ hữu là người Việt và đang công tác tại Việt Nam (nghiên cứu nội lực), trong năm 2021, Việt Nam có 22 nhà nghiên cứu được liệt kê trong tốp 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới tính trên thành tựu trọn đời và 65 người tương ứng tính trên thành tựu năm gần nhất. Kết quả này là một sự đột phá rất đáng kể về sự nhận diện thông qua trích dẫn khoa học của các công trình nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu nội lực của Việt Nam.

Năm 2019, không có nhà nghiên cứu nội lực nào của Việt Nam được vào danh sách thành tựu trọn đời và chỉ có 10 người được vào danh sách thành tựu năm. Những nhà nghiên cứu nội lực của Việt Nam được vào danh sách thành tựu trọn đời là những người có đẳng cấp cao về công bố và trích dẫn khoa học; kết quả này mang tính bền vững và ổn định hơn.

MỚI - NÓNG