Cách cho của Cơm 5.000

Đội bếp của Cơm 5.000.
Đội bếp của Cơm 5.000.
TP - Chủ trương của những người sáng lập Cơm 5.000 đồng là không đi xin tài trợ. Các nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp được bao nhiêu, còn thiếu, ban điều hành sẽ lấy từ “quỹ máu” để bù vào. “Quỹ máu” này do các thành viên nòng cốt thành lập, hàng tháng có trích lương góp định kỳ. Ngoài ra, người nào “trúng quả” cũng sẽ tự động trích phần trăm góp quỹ.

Sài Gòn có cơm 2.000 đồng nhân rộng đến hơn chục quán, và đã lan đến tận Đà Nẵng, Cần Thơ. Nay Hà Nội đã có cơm 5.000 đồng bán ở bốn địa điểm cố định. Đối tượng của những suất cơm rẻ như cho này đều là người nghèo.

Ai được lợi từ cơm 5.000 đồng?

CLB Cơm 5.000 đồng (gọi tắt là Cơm 5.000) trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hà Nội, hiện có khoảng 20 thành viên nòng cốt và hàng trăm tình nguyện viên.

Cơm 5.000 thành lập từ năm 2012, hướng đến phục vụ hai đối tượng chính là người lao động nghèo và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cơm chỉ bán vào 11 giờ trưa Chủ nhật hàng tuần tại bốn điểm: cầu Mai Động, cảng Vân Đồn; Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Phổi Hà Nội. Tính đến thời điểm 2/10/2016, Cơm 5.000 đã thực hiện được 145 lần (tương ứng 145 tuần) với hơn 30.000 suất cơm trợ giá đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng (mỗi suất đều có đầy đủ các món mặn, rau và canh).

“Em trong đội bếp, ở nhà chả phải làm gì nên hơi lóng ngóng. Lúc đầu nghe mấy anh chị mắng tủi thân lắm. Sau kiên trì đi, giờ học được rất nhiều món. Làm từ thiện không dễ như em nghĩ trước đó”.

                Đặng Tuệ Như - ĐH Kinh Tế quốc dân

Có lần, tôi đã nghe một nhà hảo tâm phàn nàn “Cơm 5.000 rất chảnh, muốn góp 20kg gạo mà họ không nhận”. Đem thắc mắc chuyển đến chủ nhiệm Bùi Quang Long, được giải thích: “Chúng tôi luôn hoan nghênh mọi đóng góp bằng tiền và vật chất để Cơm 5.000 có thể giúp được nhiều người hơn. Riêng về gạo, CLB đã có quy định, chỉ nhận từ 30kg trở lên. Sở dĩ phải có quy định này là vì trung bình mỗi ngày chúng tôi dùng hết 30kg gạo để nấu. Nếu trộn nhiều loại khác nhau, sẽ làm nồi cơm chỗ khô chỗ nhão. Đây là yêu cầu của đầu bếp, vì thế, mong các nhà hảo tâm lưu ý giùm”.

Nói riêng về dự án Cơm 5.000 anh Long cho biết: mục đích chính của việc “bán cơm” là hướng đến giáo dục thanh niên, thứ nhì mới là làm thiện nguyện. Qua việc đứng bán 150-250 suất cơm mỗi chủ nhật, các tình nguyện viên (chủ yếu là sinh viên) sẽ buộc phải tiếp xúc với một mặt rất khác của việc tình nguyện.

Nó không vui vẻ, nhẹ nhõm, thậm chí có thể tán tỉnh nhau như khi đi làm tình nguyện ở trường. Bán Cơm 5.000 không hề dễ. Có người không hợp khẩu vị có thể mắng mỏ. Có người đi xe SH đến không mua được cũng mắng. Có người mua xong bảo: cơm này nấu hết có 5.000 đồng thôi à, thế mới biết, bọn bán cơm bình dân lãi… (Thực ra, thì hoàn toàn không phải như thế. Giá thành một suất cơm khoảng 25.000 đồng).

Thường thì số sinh viên trụ được sau mỗi kỳ hoạt động chỉ có khoảng 20-30%, đa phần sẽ một đi không trở lại. Không nhiều sinh viên coi việc thức dậy đi chợ từ 5h sáng, phụ bếp bốn tiếng và đứng suốt hai tiếng đồng hồ ngoài đường nắng bụi bán cơm là một việc làm “hay ho”. Có người hẹn 9h đến, 10h mới gọi điện, giờ còn kịp không? Để siết chặt quản lý, ban tổ chức đã ra quy định: ai đến muộn phạt 5.000 đồng/phút. Cho đến nay, số tiền phạt Cơm 5.000 thu được cũng không phải là nhỏ.

Sau những suất cơm

Bếp trưởng của Cơm 5.000 là anh Nguyễn Thư Đạo (đầu bếp chính của nhà hàng Cơm Việt trên đường Huỳnh Thúc Kháng). Mỗi bữa cơm, anh Đạo sẽ lên thực đơn, tham khảo các thành viên và luôn thay đổi để tuần này không lặp lại tuần trước. Ví dụ: tuần một thực đơn gồm: chả lá lốt; nem rán; củ cải luộc; canh rau ngót thịt băm, tuần hai gồm: đùi gà chiên mắm; bắp cải xào; canh cải thịt băm, tuần ba sẽ có: thịt kho dừa, trứng kho, chả, rau bắp cải xào cà rốt, canh rau mồng tơi + mướp...

Cách cho của Cơm 5.000 ảnh 1

Tổ chức Trung thu cho trẻ em ở Viện Huyết học & Truyền máu trung ương.

Giai đoạn đầu, thường đội nấu sẽ phải có mặt ở chợ từ 5h sáng để mua thực phẩm. Sau này, chỉ cần gọi điện cho những mối hàng quen, người ta sẽ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, sáu giờ, chỉ cần hai ba người ra chở hàng về là xong. Giảm hẳn một công đoạn.  

Ban đầu, nòng cốt của Cơm 5.000 chỉ có khoảng hơn chục người, tự góp tiền túi làm thiện nguyện với nhau. Khi đó, xác định giá bán cơm, cũng xác định luôn tiêu chí: người mua cơm và người bán không nợ gì nhau. Người nghèo trả tiền cơm, vì thế, thứ họ nhận không phải đồ bố thí, mà là hàng hóa. Cơm 5.000 cũng yêu cầu tất cả tình nguyện viên không được dùng thái độ của người phát quà từ thiện khi đi bán cơm.

Nguyễn Thu Hiền (ĐH Bách khoa) kể: “Lần đầu đi bán cơm, rất khó và mệt. Đội trưởng dặn: phải nhìn đúng người lao động nghèo mới bán, vì có người ở quán game ra đòi mua bảy suất liền, chúng em không bán. Không phải ai cũng xúc động khi mua được suất cơm 5.000 đồng. Có người hoài nghi. Có người thản nhiên. Một số khác thì cảm ơn và khóc. Nói chung, cảm giác một ngày đi bán cơm, bằng một năm học”.

Bắt đầu từ tháng 5/2015, Cơm 5.000 mở rộng hoạt động bằng cách hỗ trợ hàng ngày (từ thứ 2 – thứ 7) cơm trưa và ăn nhẹ buổi chiều cho 7 gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Viện Huyết học & Truyền máu TW. Danh sách bệnh nhân khó khăn được xin từ chỗ bác sĩ. Đối tượng Cơm 5.000 giúp đỡ chủ yếu là bệnh nhi ở tầng 6, khu vực bệnh nặng và khó. Nhiệm vụ của tình nguyện viên trong trường hợp này chỉ là nhận cơm từ đầu bếp và giao cho người nhà của các bé tại cổng viện vào 11h trưa hàng ngày.

Việc gì đó có ích hơn

Việc mở rộng những địa điểm bán cơm trợ giá cho người lao động nghèo đã có những phản hồi trái chiều.

Bên phản đối cho rằng: Các suất cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng chỉ là những con cá (trong thuyết “cho con cá không bằng cho cần câu”) nó không giúp được vào trọng tâm của vấn đề. Ngược lại, còn góp phần dồn nhiều lao động ngoại tỉnh về trung tâm, làm suy yếu nghị lực bản thân của người tìm đến ăn.

Cơm 5.000 đồng vẫn tiếp tục mục tiêu của mình, song bên cạnh đó, họ tập trung hơn vào một dự án được xác định là dài hơi. Từ tháng 6/2015, Cơm 5.000 đã tổ chức một Lớp học tình thương ở Bạch Mai cho 15 đứa trẻ nghèo sinh trong khoảng từ 1999-2005. 

Ngoài ra, Cơm 5.000 cũng hỗ trợ 20kg gạo/tháng cho bảy gia đình khó khăn nhất trong lớp. Hồ sơ của các học sinh lớp tình thương Bạch Mai đều chỉ ngắn gọn giống nhau: Bố đi cai nghiện, mẹ bỏ đi, em đang ở với bà nội; Bị tật ở chân, bố làm xe ôm, mẹ nội trợ; Bố mất sớm, mẹ bán hàng không đủ tiền cho đi học v.v…

Cách cho của Cơm 5.000 ảnh 2

5.000 đồng một suất cơm trị giá 25.000 đồng.

Thông thường, 8h - 10h sáng Chủ nhật hàng tuần tại Nhà văn hóa Phường Bạch Mai, các tình nguyện viên của CLB Tình Nguyện Hope sẽ đến dạy bọn trẻ học. Vào lễ, Tết, Trung thu, Cơm 5.000 sẽ tổ chức vui chơi cho các em. Đưa các em đi tham quan bảo tàng, công viên… Cơm 5.000 cũng đã tìm được các nhà hảo tâm trợ giúp học phí và nhận đỡ đầu cho một số em. 

Việc khó nhất để giúp trẻ em nghèo hòa nhập xã hội không phải là tiền, theo chia sẻ của chủ nhiệm Bùi Quang Long, mà là vấn đề nhân sự. Để có thể giao tiếp và lấy được lòng tin từ những đứa trẻ này không dễ. Nhưng tình nguyện viên không có nhiều người theo đuổi được dài lâu. Cứ một người quen, rồi đi, một người mới bắt đầu lại, thành ra quá trình bị kéo dài. 

Tham vọng của Cơm 5.000 là trợ giúp, dạy dỗ, hướng nghiệp cho những đứa trẻ này đến khi trưởng thành. Quãng đường rất dài và chưa bao giờ là dễ dàng.

Từ khi thành lập, Cơm 5.000 đã nhận được 800 triệu đồng từ các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền của đất nước. Đa số những người ngày đề nghị được giấu tên. Rất nhiều người định kỳ một tháng hoặc một quý gửi vào quỹ một số tiền cố định. Đây là nguồn kinh phí chính để Cơm 5.000 duy trì những hoạt động thiện nguyện của mình.

MỚI - NÓNG