Trả lời phỏng vấn độc quyền với CNN hôm 5/1 (giờ Mỹ), thiếu tướng Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của ông Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng, phản ứng của Tehran đối với vụ máy bay không người lái phóng tên lửa sát hại tư lệnh Qasem Soleimani ở thủ đô Iraq cuối tuần trước sẽ là giáng trả trực tiếp vào “các cơ sở quân sự” của Mỹ.
Từ Singapore tới Djibouti, từ Bahrain tới Brazil, hiện nay Mỹ có khoảng 800 căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần ở bên ngoài lãnh thổ của mình. Con số căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần này của Mỹ lớn hơn con số của bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Mỹ còn có hàng trăm cơ sở lớn nhỏ khác.
Mọi cơ sở của Mỹ, thậm chí mọi lính bộ binh, lính thủy, lính thủy đánh bộ, phi công Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Iran. Đó cũng có thể là tàu hải quân Mỹ ở trên biển, máy bay của không quân Mỹ ở sân bay hoặc trên bầu trời, thậm chí quân nhân Mỹ đang ở ngoài căn cứ, đang nghỉ phép…
“Có nhiều cách tấn công người Mỹ và bạn không thể bảo vệ tất cả bọn họ được”, ông Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch thuộc Trung tâm Tình báo hỗn hợp của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.
Người nhái Iran có thể ốp mìn tàu chiến Mỹ
Hải quân Mỹ hiện có 293 tàu có thể triển khai hoạt động. Trong khi chỉ có khoảng 1/3 số tàu này hoạt động trên biển hoặc có mặt tại cảng ở nước ngoài (tính tại bất kỳ thời điểm nào trong năm), chúng vẫn có thể trở thành mục tiêu tấn công của Iran.
Ví dụ, hồi tháng 10/2000, tàu khu trục tên lửa dẫn hướng USS Cole bị tấn công khi đang ở cảng thuộc Aden, Yemen để tái nạp nhiên liệu. Những kẻ đánh bom liều chết đi trên một chiếc thuyền nhỏ chở đầy thuốc nổ tiến sát tàu khu trục Mỹ, gây ra vụ nổ làm toác mạn con tàu 8.500 tấn, giết chết 17 thủy thủ Mỹ.
Những kẻ đánh bom tàu khu trục là khủng bố có liên hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên, vụ tấn công này cho thấy tàu chiến công nghệ cao vẫn dễ bị tổn thương bởi một quả bom tương đối đơn giản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, ông William Cohen, nói rằng, với các biện pháp bảo vệ lực lượng Mỹ thời điểm đó, không thể ngăn cản vụ tấn công như vậy. Cuối cùng, Hải quân Mỹ áp dụng các biện pháp mới để bảo vệ các tàu của mình tại cảng, bao gồm việc thiết lập các vùng cấm xung quanh tàu Mỹ.
Nhưng ông Schuster nói rằng, ở cảng nước ngoài, việc bảo vệ tàu Mỹ chỉ hiệu quả nếu nước chủ nhà thực sự thực thi việc bảo vệ đó. “Nếu chúng ta thực thi sự bảo vệ ở lãnh thổ chủ quyền của nước khác thì sẽ tạo ra một sự cố quốc tế”, ông giải thích.
Trong khi Mỹ bổ sung các biện pháp an ninh, các đối thủ của Mỹ cũng có các đối sách mới.
Ông Schuster nói nhiều người tin rằng, Iran đã phát triển được lực lượng người nhái có thể bơi bên dưới và xung quanh tàu, gắn mìn vào thân tàu. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất hiện nay cũng khó phát hiện được hoạt động xâm nhập kiểu này.
Một nguy cơ khác đối với tàu Mỹ là mìn, giống vụ gần như xẻ đôi tàu khu trục Mỹ năm 1988.
Tàu khu trục USS Samuel B. Roberts va phải mìn ở vịnh Ba Tư khiến 10 thủy thủ bị thương. Mìn nổ tạo ra một lỗ rộng trên thân tàu, làm gãy sống tàu làm tàu sắp chìm. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn đã cứu được tàu, một phần nhờ việc dùng các dây cáp to làm bằng thép chằng chéo các phần phía trên bị gãy vỡ ráp lại với nhau.
Ông Schuster nói rằng, quả mìn đó sử dụng công nghệ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, gồm thuốc nổ đơn giản và ngòi nổ. Kho vũ khí hiện nay của Iran có thể vẫn còn loại mìn này.
Các lực lượng ủy nhiệm sẵn sàng báo thù
Ngoài các lực lượng Iran, nguy cơ đối với Mỹ còn có thể đến từ các đồng minh được Iran huấn luyện, các lực lượng ủy nhiệm có mối liên hệ sâu sắc với Tehran.
“Iran vươn tay khắp toàn cầu thông qua các mạng lưới bí mật của họ”, ông Christopher Costa, cựu giám đốc bộ phận chống khủng bố của Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và hiện là giám đốc Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington, nhận định.
Một trong các lực lượng ủy nhiệm của Iran, Hezbollah ở Li-băng, bị cho là đứng đằng sau vụ tấn công vào trại lính thủy đánh bộ Mỹ ở sân bay Beirut năm 1983. Vụ đánh bom tự sát bằng xe tải khiến 241 quân nhân Mỹ, bao gồm 220 lính thủy đánh bộ thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào lính thủy đánh bộ kể từ trận chiến Iwo Jima ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Một nhóm Hezbollah cũng bị cáo buộc đánh bom Khobar Towers, một tổ hợp nhà ở quân sự Mỹ ở Ả rập Xê út, vào năm 1996, khiến 19 phi công Mỹ tử nạn.
Và lãnh đạo của nhóm này ở Li-băng, Hassan Nasrallah, ngày 5/1 nói rằng, họ sẵn sàng báo thù cho cái chết của tướng Soleimani.
“Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, các căn cứ quân sự Mỹ, các tàu quân sự Mỹ, mọi sĩ quan và binh lính Mỹ trong khu vực của chúng tôi, trong các đất nước của chúng tôi và trên đất của chúng tôi. Quân đội Mỹ là những người đã giết tướng Soleimani và họ là những người sẽ phải trả giá”, Nasrallah tuyên bố.
Ông Schuster cho rằng, Hezbollah đã vươn tầm ảnh hưởng khắp Trung Đông, tới cả châu Phi, bao gồm Kenya, nơi 3 người Mỹ thiệt mạng trong vụ nhóm khủng bố al-Shabaab tấn công một căn cứ Mỹ hôm Chủ nhật vừa qua.
Dù al-Shabaab không liên minh với Hezbollah, vụ tấn công vào một đường bay xa xôi gần một căn cứ quân sự Mỹ cho thấy các lực lượng Mỹ có thể trở thành mồi ngon của đối phương như thế nào.
Không thể thắt chặt an ninh mãi
Quân đội Mỹ vẫn cảnh giác cao độ sau khi các nhà lãnh đạo Iran đe dọa trả đũa, nhưng việc này không thể diễn ra liên tục trong thời gian dài.
“An ninh thắt chặt sẽ cản trở các chiến dịch của bạn”, ông Schuster nói, đề cập nhu cầu tiếp tế cho các căn cứ, tàu thuyền và việc quân nhân di chuyển, ra-vào căn cứ. “Bạn không thể canh gác cho họ suốt ngày đêm trong một thời gian dài đằng đẵng”, ông nói.
Trong khi đó, Iran sẽ kiên nhân chờ đợi điểm yếu, tử huyệt của Mỹ lộ ra để tấn công. “Họ đang chờ ai đó chùng xuống, mất cảnh giác”, ông Schuster nói. Theo ông, Iran không bị răn đe bởi an ninh thắt chặt mà bị răn đe bởi khả năng thất bại.
Vụ cảnh sát bang California (Mỹ) truy đuổi 2 người năm 2016 minh họa sự khó khăn của việc dự đoán mọi nguy cơ. Cảnh sát tuần tra xa lộ ra tín hiệu dừng xe đối với một chiếc ô tô Jeep Cherokee chở 2 người. Tài xế không dừng lại và phi vào trong căn cứ hải quân-không quân Lemoore, đâm vào chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 trị giá 60 triệu USD.
Các sĩ quan phụ trách căn cứ nói rằng, tất cả các điểm ra, vào căn cứ đều có nhân viên an ninh khi vụ việc xảy ra. Họ không tiết lộ cách thức chiếc Jeep Cherokee vượt qua được lực lượng an ninh và các ba-ri-e.
Thời điểm đó, tất cả các căn cứ quân sự Mỹ đang được đặt trong tình trạng bảo vệ mà Lầu Năm Góc gọi là Bravo để đối phó “nguy cơ khủng bố tăng cường và có thể dự đoán”. Đây là nguy cơ cấp 3 trong hệ thống xếp loại gồm 5 cấp.
Nguy cơ từ bên trong nước Mỹ
Các loại nguy cơ khác đến từ chính các căn cứ ở trên đất Mỹ. Tháng trước xảy ra các vụ nổ súng ở căn cứ không quân-hải quân Pensacola ở bang Flordia và xưởng đóng tàu hải quân Trân Châu Cảng ở bang Hawaii khiến tổn cộng 5 người thiệt mạng.
Cả hai nghi phạm xả súng (1 thủy thủ thuộc lực lượng Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng và 1 sĩ quan quân đội Ả rập đang được huấn luyện tại Pensacola) được phép có mặt ở căn cứ và không có mối liên hệ với khủng bố.
Nhưng hai vụ xả súng này cho thấy mức độ khó khăn của việc xem xét trí óc, tâm lý và lịch sử của hàng triệu người có quyền tiếp cận các cơ sở quân sự Mỹ trên khắp thế giới.