Các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới mở 'chiếc hộp đen' AI tại Tọa đàm của Quỹ VinFuture

0:00 / 0:00
0:00
AI sẽ “cướp” mất hay tạo thêm công việc cho con người? AI có thể vượt tầm kiểm soát của con người và “nổi loạn” như trong các bộ phim viễn tưởng?... Những câu hỏi lớn của nhân loại sẽ được các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới “mổ xẻ” tại Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 19/12/2023.

Phác họa bức tranh toàn diện về sự phát triển của AI

Năm 2023 chứng kiến những cuộc tranh luận bùng nổ về Trí tuệ nhân tạo (AI) và ảnh hưởng của công nghệ này tới đời sống, khi AI dần trở thành yếu tố mới định hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Các chatbot AI trở thành nơi tìm kiếm và truy vấn thông tin của hàng triệu người. ChatGPT của OpenAI đạt mức 100 triệu người dùng chỉ trong vòng 2 tháng, mức tăng trưởng kỷ lục so với bất kỳ loại dịch vụ Internet nào (Facebook cần 4,5 năm để đạt mốc này).

Đặc biệt, sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ GPT-3 (2022) và GPT-4 (2023) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của AI. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những dự báo về mặt trái. Theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs (Hoa Kỳ), khoảng 300 triệu người trên thế giới có thể sẽ mất việc vì công nghệ này.

Các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới mở 'chiếc hộp đen' AI tại Tọa đàm của Quỹ VinFuture ảnh 1

TS. Xuedong David Huang là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ và dịch máy, hiện là Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ) và Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture

Trong bối cảnh đó, tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 19/12/2023 trở thành diễn đàn quan trọng, với kỳ vọng đưa ra bức tranh toàn diện về sự phát triển của AI.

Theo các nhà khoa học, các tiến bộ trong nghiên cứu AI đã mở ra triển vọng đáng kinh ngạc cho tăng trưởng kinh tế. Các công ty và tổ chức nghiên cứu có thể tận dụng sức mạnh tính toán của AI để tăng cường năng suất và giảm thời gian nghiên cứu. Nhờ đó, chi phí sản xuất được tiết giảm, khả năng đổi mới được tăng cường, giúp tạo ra một môi trường làm việc thú vị và cạnh tranh, tiết kiệm công sức của con người trong những phần việc truyền thống.

Nhưng đó chỉ là viễn cảnh khả quan nhất. Trên thực tế, AI đã đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an ninh và sự bình đẳng trong tiếp cận, đặc biệt khi khả năng của AI ngày càng lớn. Các thách thức có thể đến từ việc sức mạnh của AI bị sử dụng vào mục đích xấu; AI đưa ra quyết định thiếu toàn diện trong những tình huống khó xử về mặt đạo đức; hoặc quyền kiểm soát năng lực khổng lồ của AI nằm trong tay một nhóm thiểu số...

Các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới mở 'chiếc hộp đen' AI tại Tọa đàm của Quỹ VinFuture ảnh 2

GS. Jennifer Tour Chayes là Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin thuộc Đại học California, Berkele

Chủ tọa của cuộc Tọa đàm, TS. Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture phân tích, AI chỉ được đào tạo và xây dựng bằng dữ liệu. Nếu dữ liệu bạn thu thập bị sai lệch, điều đó sẽ được phản ánh trong kết quả cuối cùng và quyết định cũng sẽ bị sai lệch.

Và tất nhiên, bản thân mô hình AI cũng không hoàn hảo. Vì vậy, chúng tôi cần thực sự phát triển một lớp sàng lọc để đảm bảo rằng nội dung đầu ra từ AI đáp ứng các tiêu chuẩn cộng đồng”, TS. Xuedong Huang nói.

Dấu ấn Việt Nam trong hợp tác, giải quyết các thách thức toàn cầu

Dù bước đầu được ứng dụng rộng rãi, sự vận hành của các mô hình AI phần lớn vẫn bí ẩn như “chiếc hộp đen” trước công chúng.

Tại buổi Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức, TS. Huang sẽ cùng các diễn giả là những nhà khoa học danh tiếng hàng đầu trong lĩnh vực AI trao đổi về việc tận dụng những tiềm năng của công nghệ này một cách có trách nhiệm và bền vững.

Các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới mở 'chiếc hộp đen' AI tại Tọa đàm của Quỹ VinFuture ảnh 3

GS. Leslie Gabriel Valiant là Giáo sư T. Jefferson Coolidge về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ)

Đáng chú ý trong đó, GS. Jennifer Tour Chayes (Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ), với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu từng làm việc trong cả môi trường doanh nghiệp lẫn hàn lâm, sẽ trình bày về những ứng dụng mới của AI trong việc nghiên cứu, cung cấp một bức tranh toàn diện về cách mà AI đang tái định hình thế giới học thuật, từ đó đưa tới một hình dung về tương lai mà chúng ta có thể sống trong 5-10 năm tiếp theo.

Trong khi đó, GS. Leslie Gabriel Valiant (Chủ nhân Giải thưởng A.M Turing 2011) và TS. Huang sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa con người và máy móc cũng như việc AI đang tái định hình cách chúng ta nhìn nhận về thế giới, công việc, hay cách con người giao tiếp với nhau.

Với AI, lần đầu tiên con người đối diện với câu hỏi liệu AI có thể tự tạo ra kiến thức của chính nó không? Liệu một ngày nào đó, AI sẽ vượt trội hơn loài người hay không? Và nếu có, vai trò của con người khi đó là gì? Phần thảo luận của các chuyên gia tại Tọa đàm sẽ điểm lại lịch sử phát triển của AI, tác động của AI đối với đời sống, việc làm và nghiên cứu khoa học, từ đó đem đến câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này.

Các trí tuệ khoa học hàng đầu thế giới mở 'chiếc hộp đen' AI tại Tọa đàm của Quỹ VinFuture ảnh 4

Giáo sư Albert P. Pisano, viện sĩ Viện hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, đồng chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture

“Bất kỳ công nghệ mới nào cũng sẽ mang lại sự thay đổi cho xã hội. Vì vậy, chúng ta cần phải cởi mở, đón nhận sự thay đổi đó, bởi chỉ riêng AI sẽ không thể thực sự giải quyết được tất cả các vấn đề mà con người đang gặp phải”, TS. Huang khẳng định.

Trong bối cảnh AI trở thành cuộc đua mới của các quốc gia, buổi tọa đàm cũng sẽ dành một phần quan trọng để thảo luận về chính sách phát triển AI tại các nước, đặc biệt là Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá hiện rất ít tổ chức về khoa học công nghệ trong nước có khả năng kết nối và mời được nhiều diễn giả đầu ngành của thế giới với sự đa dạng về lĩnh vực tới Việt Nam như VinFuture. Từ việc tổ chức các chuỗi hội thảo trực tuyến đến những buổi toạ đàm mang hàm lượng khoa học cao, VinFuture giúp định hình những thách thức mà thực tiễn đặt ra và từ đó tạo điều kiện trao đổi thường xuyên giữa các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng nghiên cứu hàng đầu thế giới. Đồng thời, thông qua VinFuture, dấu ấn Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên rõ nét.

“Thế giới sẽ có cái nhìn khác về Việt Nam qua cách Giải thưởng VinFuture khẳng định rõ sứ mệnh của mình”, GS. Albert P. Pisano, Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, chia sẻ trước thềm Lễ trao giải mùa 3.

Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức” là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 3, bên cạnh các tọa đàm với chủ đề: “Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại” (18/12), “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn” (18/12) và “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” (19/12).

· Thời gian: 13h30 - 14h45; Ngày: 19/12/2023

· Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội

· Link đăng ký Tại đây

Chủ tọa: TS. Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture

Diễn giả:

· TS. Padmanabhan Anandan, AI Matters for Development (Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture

· GS. Christian Borgs, Đại học California, Berkeley, Giám đốc Viện Bakar về Vật liệu Kỹ thuật số cho Hành tinh (BIDMaP) và Thành viên Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Berkeley (BAIR), Hoa Kỳ

· TS. Bùi Hải Hưng, Người sáng lập và Tổng Giám đốc VinAI, Việt Nam

· GS. Jennifer Tour Chayes, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin thuộc Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ

GS. Leslie Gabriel Valiant, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture và Giáo sư T. Jefferson Coolidge về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ
MỚI - NÓNG