Tối 4/6, kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, đề cập đến việc các tỉnh, thành phố (mới đây nhất là tỉnh Đồng Nai) yêu cầu cách ly người về từ TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải và Sở Y tế nghiên cứu tình hình thực tế, kịp thời tham mưu cho UBND TPHCM có công văn trao đổi với tỉnh Đồng Nai để giải quyết, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao sớm hoàn tất và cung cấp danh sách nhân viên, công nhân đang làm việc tại đơn vị với đầy đủ thông tin về nơi cư trú, số điện thoại liên lạc… để phục vụ cho công tác truy vết khi có nhu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (phải) và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TPHCM |
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng yêu cầu các quận - huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra việc tuân thủ và thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.
Theo ông Dương Anh Đức, hiện nay, TPHCM đang tích cực cùng với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tìm kiếm nguồn vắc xin cho người dân. Trong quá trình chờ vắc xin, chính quyền địa phương sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện yêu cầu 5K trên toàn địa bàn. Những sai phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kiên quyết để răn đe.
Trước đó vào chiều cùng ngày, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX, KCN) TPHCM (HEPZA) đã công văn hỏa tốc gửi UBND TPHCM về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện công văn số 6180/UBND - KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo HEPZA, hiện nay có khoảng hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các KCX, KCN: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam thuộc TPHCM để làm việc. Rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TPHCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong KCX, KCN thuộc TPHCM.
Hầu hết các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM đều an toàn. Trong ảnh: Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận |
HEPZA cho rằng việc thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa. Việc di chuyển của người lao động gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCX, CN thuộc TPHCM.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản số 6180/UBND-KGVX. Theo đó kể từ 0 giờ ngày 5/6, tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đối với tất cả những người từ TPHCM về/đến Đồng Nai.
Người đến từ TPHCM sẽ bị cách ly 21 ngày tính từ ngày rời khỏi TPHCM và phải tự trả chi phí trong thời gian thực hiện cách ly.
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tính từ ngày 27/4 đến chiều 4/6, TPHCM ghi nhận 299 ca mắc COVID-19, đứng thứ 4 cả nước về số ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, nhờ được truy vết, khoanh vùng kịp thời, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM đang có dấu hiệu chững lại. Số ca bệnh đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, cuối tháng 5 số ca nhiễm tại thành phố lên đến 50 ca. Đến ngày 1/6 giảm còn 43 ca, 2/6 là 38 ca và ngày 3/6 còn 26 ca.
Người đứng đầu ngành y tế TPHCM cho biết dịch bệnh tại TPHCM còn rất nguy hiểm vì chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện chậm 4-5 chu kỳ. Có trường hợp ca bệnh khi truy vết thì phát hiện là F3. Ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm rộng, kiểm tra toàn bộ khu phố có ca bệnh và sắp tới ngoài xét nghiệm F2 thì diện tiếp xúc F3 cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà.
Từ ngày 31/5, TPHCM đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TPHCM theo Chỉ thị 15 và cách ly xã hội toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.