Các tay súng thánh chiến châu Âu ở Syria
> Đại sứ quán Nga tại Syria bị nã đạn cối
> Vũ khí hóa học Syria được tiêu hủy trên tàu Mỹ?
Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng, người phương Tây chiếm đến 10% quân số thánh chiến nước ngoài chiến đấu tại Syria.
Các thánh chiến quân phương Tây đang tham chiến tại Syria. |
Càng ngày, cuộc nội chiến ở Syria càng chuyển hóa thành cuộc chiến giữa quân đội chính phủ Syria với thành phần thánh chiến Hồi giáo cực đoan - lực lượng đang đóng vai trò chính trong thành phần phiến quân chống Chính phủ Syria.
Trong lực lượng này đang ngày càng có nhiều tay súng thánh chiến từ nước ngoài, chủ yếu là từ các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi, và đặc biệt là các thánh chiến quân phương Tây.
Một nhóm 11 tay súng đứng bu quanh một quầy bán gà rán ở thành phố Al-Bab, phía bắc Aleppo, miền Bắc Syria. Họ trông có vẻ lạ lẫm so với người dân địa phương mặc dù họ cũng ăn vận trang phục giống như các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISIS) trong thành phần nổi dậy chống Chính phủ Syria. Khỏi phải nói, ISIS chính là một nhánh có liên quan mật thiết với Al-Qaeda đã bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách khủng bố.
Các tay súng này vừa từ mặt trận trở về, súng ống đeo lủng lẳng bên vai ra vẻ thảnh thơi. Họ muốn tận hưởng món gà rán độc đáo của địa phương, nhưng có điều, họ không thể nói được tiếng Arập để giao tiếp với người bán gà rán, và họ cũng chẳng nói được mấy từ tiếng Anh.
Không giao tiếp được với người địa phương, họ quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Albania. Thì ra, họ thắc mắc liệu món gà rán đó đã được "halal" (làm lễ thánh trước khi giết thịt, theo đạo Hồi) chưa, vì vậy liệu có thể ăn được hay không? Thật may, có một nhân viên làm việc cho một tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế nói được tiếng Albania nên đã phiên dịch giúp họ, trấn an họ rằng Al-Bab là khu vực Hồi giáo sùng đạo nhất của Syria, cho nên chắc chắn là thịt gà đã được "halal". Thế là họ yên tâm đánh chén.
Kể lại mẩu chuyện trên, nhân viên cứu trợ quốc tế nọ phì cười nhận xét: "Thật là lạ khi một người Albania ở Kosovo lại hỏi về việc thịt gà đã được "halal" chưa". Nhưng vấn đề thực tế thì không hề đáng cười chút nào.
Cũng nhân viên cứu trợ quốc tế nọ cho biết, trong quá trình công tác tại các vùng chiến sự ở Syria, anh ta đã có dịp bắt gặp những thánh chiến quân Hồi giáo không chỉ là người Kosovo gốc Albania mà còn cả người Chechnya, Na Uy, người Anh nói giọng Birmingham đặc sệt. Nói chung là họ đến từ khắp các quốc gia Tây lẫn Đông Âu, cả Bắc Mỹ nữa.
Câu chuyện của nhân viên cứu trợ quốc tế được các chuyên gia chống khủng bố chứng thực: người phương Tây chiếm đến 10% quân số thánh chiến nước ngoài chiến đấu tại Syria. Các quan chức Mỹ và châu Âu cũng đã từng lên tiếng báo động về sự gia tăng số lượng công dân mình tham chiến trong thành phần phiến quân cực đoan chống Chính phủ Syria.
Hầu hết các tay súng người nước ngoài này gia nhập tổ chức ISIS ở Iraq trước khi đến Syria, mà ISIS thì bao gồm đủ thành phần thánh chiến theo mùa, đến từ nhiều quốc gia Hồi giáo khác nhau, từ Arập Xêút, Nam Á, vùng Vịnh Persic cho đến Bắc Phi.
Hans-Georg Maassen, Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức cung cấp cho Hãng tin Reuters con số thống kê ít nhất 220 công dân Đức đã lên đường đến Syria tham gia phiến quân Al-Qaeda; còn chính quyền Bỉ thì ước tính 150 công dân của mình đã tham chiến tương tự... Ít nhất đã có vài chục thánh chiến quân châu Âu đã bỏ mạng tại chiến trường.
Điều mà các quan chức chống khủng bố phương Tây lo ngại nhất chính là sau khi tham chiến tại Syria trở về nước, các tay súng thánh chiến phương Tây này mang theo cả những thứ nguy hiểm: các kỹ năng chiến đấu, tư tưởng cực đoan, và nhất là tinh thần bạo lực mà họ được Al-Qaeda huấn luyện kỹ lưỡng.
Hiện tại, Al-Qaeda có thể đang tập trung vào mục tiêu chính là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng giới chức tình báo phương Tây cho biết đã đánh hơi được việc Al-Qaeda đang có kế hoạch chiến đấu mở rộng ra bên ngoài biên giới Syria.
Nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nói: "Bọn chúng đang nói về việc mở rộng các hoạt động giống hệt như ở Afghanistan thời kỳ trước khi xảy ra vụ 11-9". Như thể minh chứng cho nhận xét của nghị sĩ Rogers, Giám đốc Cơ quan Tình báo đối nội MI-5 Andrew Parker lo ngại rằng, với vài trăm tay súng người Anh tham chiến trong tổ chức Al-Qaeda tại Syria, mối nguy cơ lớn nhất là khi thành phần này về nước, tiếp xúc với thành phần "sẵn sàng đi theo thánh chiến" ở Anh và truyền đạt mệnh lệnh của Al-Qaeda yêu cầu thực hiện vài hành động khủng bố trên đất Anh, thế là tai họa khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngày 5/11 vừa qua, Cảnh sát Kosovo đã bắt giữ 6 người gốc Albania ở Kosovo bị tình nghi "chuẩn bị hành động khủng bố gây rối an ninh trật tự" ở Kosovo. Ở Mỹ, 1 người Pakistan di cư đã bị FBI theo dõi và bắt giữ khi anh ta đang cố tìm cách đi đến Syria để gia nhập tổ chức Mặt trận Nusra - một tổ chức người Syria có liên hệ với Al-Qaeda.
Shiraz Maher (Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu bạo lực cấp tiến và chính trị hóa) cung cấp thêm chi tiết đáng lo ngại rằng các nhóm Al-Qaeda ở Somalia và Yemen cũng là những chiến trường cần nhiều chiến binh từ phương Tây nhưng không nhiều bằng Syria.
Lý giải về hiện tượng thánh chiến quân phương Tây đổ về chiến đấu tại Syria, giới chuyên môn chống khủng bố toàn cầu cho rằng, Syria khác với Iraq hay Afghanistan ở chỗ, thánh chiến quân quốc tế đổ về đây chiến đấu và giết chóc người Syria chứ không phải đồng hương của chúng; và con đường để đến Syria cũng tương đối dễ dàng hơn. Syria lại ở ngay sát cửa ngõ ra vào châu Âu, càng thuận tiện hơn cho việc tham chiến, vì chỉ cần đáp chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự thuận tiện đến mức chẳng hạn như các công dân Đức thậm chí không cần hộ chiếu, chỉ cần trình chứng minh thư là có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và một khi đến được Thổ Nhĩ Kỳ, các thánh chiến quân sẽ được gia nhập ngay vào các tiểu đoàn thánh chiến rồi vượt biên giới trên bộ sang Syria
Theo Nguyên Khang
An ninh Thế giới