Hàn Quốc loay hoay kêu cứu
Sau khi ứng cử thành công tổ chức Asiad 1970, báo chí Hàn Quốc bắt đầu công bố một loạt thông tin rằng Hàn Quốc đang gặp khó khăn tài chính và đưa ra kiến nghị nên ngừng đăng cai Asiad. Một hội đồng đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc được triệu tập tại Seoul nhóm họp trong hai tháng 4 và 5/1968 để bàn về vấn đề liệu có nên rút lui hay không. Quyết định cuối cùng là Hàn Quốc rút lui. Lý do được đưa ra là khủng hoảng an ninh khu vực mà sâu xa hơn chính là việc ngân sách của Chính phủ Hàn Quốc có hạn.
Nhật Bản được đề nghị thay thế nhưng không nhận lời, AGF nhóm họp khẩn cấp ngày 1/5 và đưa ra giải pháp là Thái Lan có thể giải cứu bởi quốc gia này vẫn còn cơ sở hạ tầng từ lần tổ chức trước. Ngày 10/6/1968, phái đoàn AGF đã có cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Thái Lan yêu cầu giúp đỡ, nhưng Bangkok cho biết họ cũng đang trong giai đoạn khó khăn.
Khi Thái Lan đồng ý với yêu cầu hỗ trợ tài chính, Hàn Quốc và AGF lập tức cam kết sẽ xúm tay kêu gọi hỗ trợ kinh phí cho Thái Lan. Với tổng tiền huy động được là 412.000 USD, Asiad lần thứ 6 vẫn diễn ra trong năm 1970 như đã định, nhờ sự chìa tay của Thái Lan vào phút chót.
Tuyên bố sốc của lãnh đạo Singapore
Năm 1972, trong cuộc họp của AGF tại Munich, Singapore được công bố là chủ nhà Asiad 1978 với 20 phiếu so với 15 phiếu của Fukuoka (Nhật Bản). Khi đó, Bộ trưởng các vấn đề xã hội Singapore Inche Othman Uwok hứa rằng Singapore sẽ tổ chức Asiad 1978 lớn nhất, hoành tráng nhất và đáng nhớ nhất lịch sử.
Chủ tịch Hội đồng Olympic Singapore, ông E.W.Barker, phụ họa thêm đây là một chiến dịch tuyệt vời để nâng cao vị thế của Singapore trên toàn châu Á. Ông cam kết Singapore sẽ xây mới cơ sở hạ tầng trong tương lai gần, trong đó có khu liên hợp thể thao trị giá hàng triệu USD.
Tuy nhiên, đã có những phản hồi trái ngược từ giới lãnh đạo đất nước này. Trong bài nói chuyện tại lễ khánh thành SVĐ Quốc gia vào tháng 7/1973, Thủ tướng Lý Quang Diệu thông báo mục đích của Singapore là sức khỏe cộng đồng thay vì chạy đua thành tích cao.
Ông nói: “Với dân số chỉ hơn hai triệu người, chúng ta đừng lãng phí thời gian đi trệch con đường của chúng ta để tìm kiếm HCV Olympic, Asiad hay SEAP Games. Không có lợi ích quốc gia nào từ những chiếc HCV cho các quốc gia bé nhỏ”.
Chỉ chưa đầy sáu tháng sau, Singapore tuyên bố rút lui không tổ chức Asiad 1978.
Sau khi Singapore rút, Pakistan đứng ra giải cứu. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở hạ tầng, đến năm 1975, Pakistan thông báo không thể tổ chức. AGF tiếp cận Nhật Bản và Indonesisa, nhưng cả hai đã từ chối khéo. Cuối cùng Thái Lan lại đứng ra cứu nguy.