> Hàng xuất khẩu Nhật bị hải quan Trung Quốc làm khó
Xe du lịch do Nhật Bản sản xuất bị những người biểu tình Trung Quốc đập phá trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Dù từ bỏ hoàn toàn những khu công nghiệp đã được phát triển rất mạnh tại Trung Quốc không phải là một lựa chọn, nhiều doanh nghiệp Nhật đang bắt đầu hướng ánh nhìn sang các quốc gia thay thế khác, như Myanmar.
Những cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra khắp Trung Quốc trước đó trong tháng này kèm theo việc người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa Nhật đáp lại việc Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã gửi đi những tín hiệu đáng lo ngại thật sự với các doanh nghiệp Nhật.
Một số nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa vì bị tấn công và cướp bóc, hoặc vì lo sợ cho sự an toàn của nhân viên. Hầu hết nhanh chóng mở cửa trở lại, nhưng những công ty Nhật ở Trung Quốc vẫn còn thấy quá nhiều khó khăn với hải quan, thị thực cho nhân viên và các vấn đề thủ tục khác.
Tất nhiên, đó chỉ là những trở ngại nhỏ với thương mại hai chiều đạt mức 342,9 tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu từ phía Trung Quốc, nhưng vẫn là đủ để các doanh nghiệp Nhật phải cân nhắc lại chi phí làm ăn tại nước láng giềng của họ.
“Không ai biết khi nào những cuộc biểu tình lại nổ ra ở Trung Quốc trong tương lai gần”, Takeshi Takayama, nhà kinh tế của Viện nghiên cứu NLI tại Tokyo, bình luận.
Dẫu vậy, Takayama nói Trung Quốc, vốn không còn chỉ là một cơ sở sản xuất, có lẽ sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, vì khó có thể bỏ qua sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Nhưng tôi cho rằng các công ty Nhật sẽ chuyển một phần đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, điều đó là chắc chắn”, Takayama nói. “Những cuộc biểu tình đã nhắc nhở các công ty Nhật về rủi ro với Trung Quốc”.
Căng thẳng khiến mọi chuyện phức tạp hơn. “Chúng tôi hiểu tại sao các lãnh đạo kinh doanh Nhật lo lắng về việc đầu tư sang Trung Quốc”, báo Yomiuri Shimbun viết trong bài xã luận. “Nhiều khả năng các công ty sẽ giảm mạnh đầu tư ở Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác”.
Các nhà phân tích nói kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá lao động tăng và các yếu tố thực tế khác khiến Trung Quốc không còn là lựa chọn nghiễm nhiên nữa.
Philippines ngày 26-9 nói họ đang lôi kéo các công ty với những khoản miễn giảm thuế và quảng cáo về một lực lượng lao động trình độ cao, nền kinh tế ổn định cũng như cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng.
Thái Lan và Việt Nam vốn dĩ là những nước thu hút đầu tư thay thế Trung Quốc, nhưng Myanmar cũng đang nổi lên như một gương mặt mới, theo các nhà phân tích. Myanmar là một điểm đến hứa hẹn với Nhật Bản”, Yukio Suzuki, trưởng nhóm phân tích ở Viện nghiên cứu đầu tư Belle tại Tokyo, bình luận. “Tình cảm với Nhật Bản ở đó cũng không quá tệ”.
Trong những năm Myanmar bị cô lập, không như các nước phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với nước này. Và Tokyo đang có nhiều động thái tận dụng quan hệ chính trị với Naypyidaw để phát triển quan hệ kinh tế. Hồi tháng 4, Nhật Bản lại tuyên bố xóa khoản nợ 3,7 tỷ USD cho Myanmar.
Hãng hàng không All Nippon Airways sẽ bắt đầu có các chuyến bay thẳng giữa hai nước từ ngày 15-10, trong khi nhà thầu lớn của Nhật Shimizu đã mở lại một chi nhánh tại đây.
Tuần này, Văn phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản cũng cử một đoàn đại biểu lớn sang Myanmar.