Các khu công nghiệp bắt buộc phải có quỹ nhà cho công nhân

0:00 / 0:00
0:00
Nhà ở công nhân KCN Thăng Long không đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân
Nhà ở công nhân KCN Thăng Long không đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân
TP - Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà trọ cho người lao động gần các khu công nghiệp (KCN) là khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do diện tích chật hẹp, thiếu các điều kiện cơ bản. Hà Nội xác định tạo điều kiện phát triển nhà ở công nhân để giữ người lao động.

Dù là doanh nghiệp "đau đáu" với an sinh xã hội cho công nhân nhưng chủ đầu tư KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cũng không mặn mà với các dự án đầu tư nhà ở cho công nhân. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện chủ đầu tư KCN này cho biết, KCN Phú Nghĩa là KCN đầu tiên ở Hà Nội chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện nay có khoảng 1.000 công nhân lao động sinh sống tại khu nhà ở công nhân của KCN.

Theo vị này, nhà ở công nhân thủ tục rườm rà, thu tiền vốn chậm nên rất khó để tìm nhà đầu tư. Được biết, dự án nhà ở công nhân hiện gặp nhiều vướng mắc ở Luật Đất đai, Luật Nhà ở, các khâu giao đất, giải phóng mặt bằng... dẫn đến tiếp cận đất đai mất đến 4 - 5 năm. Có mặt bằng xây dựng thì vẫn phải làm các thủ tục duyệt giá. Trong khi đó, nhà cho công nhân thuê thì thành phố quản lý, ấn định giá. "Tiền thu chậm, thủ tục thì rườm rà, nên nói đến nhà ở xã hội cho công nhân nhiều doanh nghiệp muốn... tránh", đại diện đơn vị cho hay.

Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sẽ đưa vào chương trình xây dựng pháp luật thời gian tới việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014. Theo đó, Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng tách riêng nhà ở công nhân để đảm bảo có các cơ chế chính sách phù hợp và cụ thể hơn, đúng hơn cho nhóm đối tượng này.

Đồng tình với nhận định trên, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng sớm sửa đổi Nghị định 82 về quản lý KCN, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng, trong các dự án này được bố trí nhà ở dành cho công nhân. Đồng thời, cần sớm sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Đặc biệt quy định ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Đại diện Ban Quản lý các KCN và Khu chế xuất Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 9 KCN, nhưng mới có 4 KCN có thể đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho công nhân và tổng số nhà công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 trên tổng nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân là trước đây, khi triển khai phê duyệt quy hoạch các KCN, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản mới chỉ quan tâm, chú trọng đến vấn đề xây dựng KCN, phục vụ sản xuất. Hầu hết các nhà đầu tư mới chỉ chú trọng đến việc xây dựng các nhà xưởng, nhà kho, hoạt động logistics… trong khi đó, đối với nhu cầu nhà ở xã hội công nhân lại bị “sao nhãng”.

Bắt buộc

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đang rà soát về nhu cầu nhà ở công nhân ở các KCN. Đồng thời rà soát toàn bộ quỹ đất của các KCN đã hình thành, nếu còn đất thì chuyển đổi sang nhà ở công nhân. Trường hợp KCN hết đất thì rà soát quỹ đất khu vực lân cận. "Nhà ở công nhân cần phải đồng bộ với các thiết chế công đoàn như: Trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... để công nhân yên tâm sinh sống", ông Thành nói.

Được biết, thời gian sắp tới, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thêm từ 2 đến 14 KCN nữa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất cả các KCN mới khi đưa vào khai thác triển khai phê duyệt quy hoạch, đều bắt buộc phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, Bộ Xây dựng đã có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị gói 65.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân và nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

MỚI - NÓNG