Các dòng sông đang cạn kiệt

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy hồi đầu tháng 4. Ảnh: Xuân Phú
Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy hồi đầu tháng 4. Ảnh: Xuân Phú
TP - Nhiều con sông ngày càng cạn nước do xây đập thủy điện quá nhiều; lũ diễn biến bất thường vì quy hoạch, điều hành thủy điện yếu kém…, chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước Nguyễn Ty Niên  nhận định.

> Thủy điện vừa và nhỏ: Băm nát rừng miền Trung

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy hồi đầu tháng 4. Ảnh: Xuân Phú
Sông Hồng đoạn qua Hà Nội cạn trơ đáy hồi đầu tháng 4. Ảnh: Xuân Phú.
 

Theo ông Niên, mức độ cạn kiệt không theo quy luật của các dòng sông ngày càng bộc lộ rõ. Năm nay, sông Hồng không có lũ lớn dù ở mức báo động 1. Hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang đều không tích đủ nước.

Lượng nước mùa khô đã sử dụng của sông Hồng trong năm qua là 83,5%, trong khi ở ngưỡng an toàn chỉ được sử dụng 30%, như vậy là đã lạm phát quá nhiều. Sông Đồng Nai hiện nay bình quân đầu người chỉ được 2.050m3/người/năm, trong khi nhu cầu phải gấp đôi…

Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông?

Biến đổi khí hậu và tác động của con người có thể coi là hai nguyên nhân chính. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến vùng ven biển với vấn nạn nước biển dâng mà đang tác động trước hết đến đất liền. Về mặt con người, ta đang chứng kiến sự hình thành dày đặc các bậc thang thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng (cả phía Trung Quốc và Việt Nam).

Phía Việt Nam không có nhiều thông tin về việc xây dựng thủy điện của Trung Quốc. Ta mới biết 52 công trình ở thượng lưu sông Hồng. Nhưng có chuyên gia về tài nguyên nước là bạn tôi đã chứng kiến ở thượng lưu sông Lô có 4 đập thủy điện lớn của Trung Quốc gần biên giới. Đó có thể là lý do khiến sông Lô nay khô cạn, không có nước, giữa mùa lũ không có nước.

Nhưng giữa mùa khô năm ngoái, nước sông Hồng lên báo động 1, chỉ có thể giải thích thời điểm đó phía Trung Quốc xả lũ. Vấn đề hiện nay là cần có điều tiết để hài hòa lợi ích.

Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ trong mùa mưa lũ cuối năm 2010 Ảnh: Văn Tài
Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ trong mùa mưa lũ cuối năm 2010. Ảnh: Văn Tài.
 

Lũ trên các sông hiện nay được đánh giá là không theo quy luật, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Hiện nay có những phát ngôn không chuẩn xác. Người ta đổ tội thủy điện gây ra lũ lụt, nhưng thực tế khi làm đập chứa, làm hồ dâng, về nguyên lý là lũ giảm. Nguyên nhân gây lũ là do người điều hành thủy điện.

"Nhà máy thủy điện không xả nước dẫn đến hàng trăm nghìn tấn mía chết khô. Nhưng khi mới mưa về thì xả ào ạt trôi hết trâu bò. Dân kiện, nhưng cuối cùng nhà máy thủy điện chỉ bồi thường được khoảng 4 tỷ đồng. Chỉ có người dân là thiệt thòi nhất và yếu thế nhất trong các ảnh hưởng về môi trường nước." - Chuyên gia Nguyễn Ty Niên.

Lẽ ra, khi dự báo lũ về phải mở cho nước xuống hạ lưu dần dần để hạ lưu có nước, đến lúc lũ về, nước được tích đầy, lưu lượng bao nhiêu xả bấy nhiêu để trả lại cho dòng sông thì không có vấn đề gì. Đằng này, người ta để cho khô hạn rồi khi chớm báo lũ về xả lập tức hàng nghìn khối nước xuống chỉ trong tích tắc, hẳn gây hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, còn do vấn đề quy hoạch. Hồ Kẻ Gỗ 200 triệu khối nước ngày xưa không bao giờ thấy dân kêu lũ. Nay người ta lại kêu hồ gây lũ. Đó là do đường quốc lộ 1 chạy sau hồ được đắp cao hơn hồ, như một cái đê, trong khi cửa cống xả bé tí, gây ra tình trạng đằng trước ngập, đằng sau không có lũ.

Trong tất cả các hội nghị Đồng bằng sông Cửu Long, từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bao giờ các đồng chí lãnh đạo cũng nhấn mạnh phải lấy quy hoạch thủy lợi làm sườn, để các quy hoạch khác tuân thủ. Nhưng những người thực hiện quy hoạch lại không làm đúng. Quy hoạch Hà Nội ở vùng trũng thì tất yếu sẽ ngập. Vận hành hồ thủy điện không đúng quy trình, thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến lũ lụt, hạn hán không theo quy luật.

Nguyễn Ty Niên
Chuyên gia Nguyễn Ty Niên .

Theo ông, Luật Tài nguyên nước đang được sửa đổi cần đưa vào những nội dung gì?

Tôi cho rằng, việc giải tán Bộ Thủy lợi trước đây là sai lầm. Tôi hy vọng Luật Tài nguyên nước sửa đổi đảm bảo được sự phối hợp giữa quản lý và điều hành ở một thể thống nhất. Ta cần một nhạc trưởng về quản lý nước.

Cụ thể, nên thống nhất ở một Bộ trong quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu sẽ có hiệu quả hơn. Hiện nay, ba Bộ TN&MT, NN&PTNT, Công Thương cùng quản lý khiến chồng chéo dẫn đến hậu quả phân tán và không có hiệu lực. Dân bị thiệt hại là do tách rời giữa quy hoạch điện và quy hoạch nguồn nước.

Chúng ta nên nhớ rằng, quy hoạch nguồn nước là thể thống nhất thông suốt. Tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt chi phối toàn xã hội và có tác động lan tỏa. Đặc thù này đòi hỏi một bộ máy quản lý phù hợp.

Sự chồng chéo hiện nay dẫn đến yếu thế trước mọi tranh chấp. Ví dụ, vụ thủy điện An Khê, Kanak. Nhà máy thủy điện không xả nước dẫn đến hàng trăm nghìn tấn mía chết khô. Nhưng khi mới mưa về thì xả ào ạt trôi hết trâu bò. Dân kiện, nhưng cuối cùng nhà máy thủy điện chỉ bồi thường được khoảng 4 tỷ đồng. Chỉ có người dân là thiệt thòi nhất và yếu thế nhất trong các ảnh hưởng về môi trường nước.

Có nguy cơ nào đối với an ninh lương thực và sinh thái trước thực trạng cạn kiệt của các dòng sông?

Có những thay đổi phải lâu dài mới biết được. Những dòng cá di chuyển để sinh đẻ nay còn như trước không? Chẳng hạn, giống cá mòi thời gian sau Tết thường ngược sông Hồng ra biển đẻ trứng, nay như thế nào? Trước đây, các thuyền cá bắt được rất nhiều loài cá này, rất dễ mua. Nhưng nay thì không có.

Cảm ơn ông.

Mỹ Hằng thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG