Các doanh nghiệp Hàn Quốc ‘rót’ hàng trăm triệu USD vào Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót 358 triệu USD vào Đà Nẵng. Thời gian tới, thành phố cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu, đầu tư vào Đà Nẵng.

Sáng 18/3, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đầu tư vào Đà Nẵng” nhằm giới thiệu, kết nối đầu tư với gần 100 doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo bà Huỳnh Liên Phương - Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ‘rót’ hàng trăm triệu USD vào Đà Nẵng ảnh 1

Thành phố Đà Nẵng cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc (Ảnh: Giang Thanh).

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc là một trong 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng dự án và vốn đầu tư cao nhất vào thành phố. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư 256 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 358 triệu USD (chiếm 8,9%).

Một số dự án nổi bật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc có thể kể đến như: Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty Dentium tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu giải pháp phát triển linh kiện xe hơi của Tập đoàn LG, Trung tâm Thương mại Lotte Đà Nẵng...

Theo bà Shin Kyeongluyn - Phó Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, từ trước đến nay, Đà Nẵng mới chỉ được giới thiệu ở Hàn Quốc với tư cách là một thành phố du lịch.

“Tôi cho rằng, Đà Nẵng còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn bên cạnh Hà Nội và TPHCM. Địa phương có nhiều lợi thế như: vị trí kết nối thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư tích cực, tập trung vào các ngành có giá trị cao… Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Hàn Quốc", bà Shin nói.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ‘rót’ hàng trăm triệu USD vào Đà Nẵng ảnh 2

Bà Shin Kyeongluyn - Phó Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng - cho rằng, Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn, bên cạnh Hà Nội và TPHCM.

Với 500 thành viên kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: CNTT, logistics…, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng bày tỏ mong muốn được kết nối hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao…

“Từ trước đến nay, Hàn Quốc thường chỉ được biết đến là là đối tác thương mại, buôn bán, du lịch… của Đà Nẵng. Dư địa ở các lĩnh vực khác còn rất lớn, đặc biệt là về công nghệ, tài chính... Các thành viên của Hiệp hội có lợi thế trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, logistics, sức khỏe, y tế… và sẵn sàng liên kết, hợp tác, sang Hàn Quốc để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác”, ông Bình nói.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến môi trường đầu tư ở Đà Nẵng cũng như các điều kiện về bảo hiểm rủi ro tài sản, chất lượng nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ…

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ‘rót’ hàng trăm triệu USD vào Đà Nẵng ảnh 3

Dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Daejeon - Sejong - Chungnam.

Ông Kang Il Ha (Cty TNHH Thiết kế Oulim) bày tỏ băn khoăn trước số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của Đà Nẵng. “Tôi được biết, Đà Nẵng có khoảng 1,2 triệu dân, đa phần là các bạn trẻ - những người quan tâm nhiều đến các việc làm về công nghệ. Vậy, thành phố có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp?”, ông Kang nói.

Theo bà Huỳnh Liên Phương, Đà Nẵng đang có nguồn nhân lực trẻ với lực lượng lao động chiếm trên 50%, tỷ lệ tăng dân số là 2,2%. Nhân lực có xu hướng quan tâm đến các ngành công nghệ cao. Đà Nẵng cũng có trên 20 trường ĐH, CĐ với đa dạng ngành nghề đào tạo và kết nối tốt với doanh nghiệp.

“Đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã khác rất nhiều so với trước đây. Riêng ở Đà Nẵng, Ban sẽ là kênh kết nối doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành để thực hiện các thủ tục đầu tư, hỗ trợ tuyển dụng lao động, kết nối với các trường ĐH, CĐ để đặt hàng nhân lực… Chúng tôi liên tục cải cách hành chính và cam kết về môi trường đầu tư thông thoáng với nhà đầu tư”, bà Phương khẳng định.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.