> Kiểm lâm Kông Chro 'bỏ sót' gỗ lậu trong rừng
> Có thể 'đóng cửa' rừng tự nhiên trên toàn quốc để ngăn chặn phá rừng
Phá rừng ở tiểu khu 738. |
Rừng tan hoang, chủ ở đâu?
Ngày 31-10, cơ quan chức năng huyện Kông Chro phát hiện tại lô 7, 9, khoảnh 3, 4, tiểu khu 738, xã Chư Krei, huyện Kông Chro thuộc lâm phần quản lý của Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa quản lý bảo vệ có 57 gốc cà chít bị đốn hạ, tổng khối lượng thiệt hại 44,7m3.
Liên quan đến vụ phá rừng ở tiểu khu 757 ngày 23-10, TAND huyện Kông Chro đã tuyên phạt sơ thẩm các bị cáo: Nguyễn Tiến Hợp 15 tháng tù giam; Hà Ngọc Thắng và Nguyễn Văn Hà 12 tháng tù; Võ Văn Khánh 8 tháng tù; Phạm Văn May và Đinh Quốc Linh chịu hình phạt 6 tháng tù vì tội vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Trong thời gian TAND huyện Kông Chro đưa các bị cáo trong vụ phá rừng tại tiểu khu 757 ra xét xử lưu động thì lâm tặc vẫn ngang nhiên đốn hạ rừng như một lời thách thức chính quyền. |
Trước đó, ngày 19-10, một vụ khai thác gỗ lớn xảy ra tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 738 xã Chư Krei. Tại hiện trường kiểm tra phát hiện có 106 cây căm xe, cà chít đường kính từ 30 cm đến 60cm bị đốn hạ, khối lượng lên đến 51,6 m3.
Địa điểm lâm tặc khai thác nằm cách trục đường chính của xã chưa đến 500 m, cách trụ sở UBND xã Chư Krei chừng 7km, chỉ có một con đường độc đạo, muốn đến điểm khai thác phải qua chốt trực của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng ngay tại nút thắt ngã ba làng Ha’ChGió.
Trong khi đó, tại xã Chư Krei, ngoài công an xã, còn có 1 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, 3 cán bộ của Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa thường xuyên túc trực song vụ việc không bị ai phát hiện (?).
Ngược trở lại ngày 20-3-2012, cơ quan chức năng huyện Kông Chro kiểm tra tại tiểu khu 757 xã Đak Pơ Pho thuộc lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý, phát hiện 4 địa điểm tập kết tổng cộng 40 cây gỗ có đường kính trung bình 30 - 40 cm, tổng khối lượng 22,8 m3 gỗ xẻ gồm căm xe, sến mủ, cà chít, bằng lăng đã được lâm tặc xẻ hộp chờ vận chuyển.
Mở rộng điều tra, phát hiện 153 cây gỗ khác có đường kính tương tự vừa bị đốn hạ, ước tính khối lượng lên đến gần 78m3. Tại đây, các đối tượng khai nhận đã khai thác hơn 22m3 gỗ xẻ hộp, đang chờ tìm mối tiêu thụ.
Bất thường ở chỗ hiện trường khai thác chỉ cách nơi tổ kiểm lâm địa bàn và nơi cán bộ Cty Ia Pa quản lý chưa đầy 3 km. Nhưng lâm tặc vẫn ngang nhiên ra tay triệt hạ hàng trăm cây lớn cả ngày và đêm suốt một thời gian dài mà chẳng ai hay?
Đổ trách nhiệm
Ông Trần Văn Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kông Chro phân định: Do khu rừng thuộc địa phận quản lý của Cty Ia Pa, nghĩa là họ là chủ rừng, nên trách nhiệm chính thuộc về họ. Kiểm lâm địa bàn chỉ chịu trách nhiệm liên đới vì không bám sát địa bàn.
“Kiểm lâm viên Lê Xuân Chức mới về phụ trách địa bàn gần một tháng nay, nên có thể chưa nắm hết tình hình. Chúng tôi cũng đang tiến hành xác minh, nếu có dấu hiệu sai phạm của kiểm lâm địa bàn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Minh nói.
Ông Trần Ngọc Anh - giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ia Pa thì cho rằng: “Cánh rừng bị phá là của đơn vị quản lý là đúng, chúng tôi thừa nhận, tuy nhiên, phía kiểm lâm không thể đổ hết trách nhiệm cho chúng tôi”.
Ông Ngọc Anh dẫn giải: Chủ rừng ở đây được hiểu cả UBND xã Đak Pơ Pho, Cty Ia Pa, Kiểm lâm, UBND huyện Kông Chro… đều là chủ rừng. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ rừng, đã có quy chế phối hợp với nhau, do đó không thể đẩy hết trách nhiệm cho riêng Cty.
Trong vụ việc này, cánh rừng bị phá chỉ có một con đường độc đạo, lâm tặc muốn vận chuyển gỗ ra khỏi rừng phải đi qua trung tâm xã, tổ kiểm lâm địa bàn, không lý gì xã không biết, kiểm lâm địa bàn không hay”.
Câu chuyện chưa đi đến hồi kết nhưng rõ ràng ở đây đã có việc các cấp quản lý đang “đùn đẩy” đá quả bóng trách nhiệm sang nhau. Điều đang nói, trong lúc phân định lỗi của ai thì “máu” của rừng vẫn chảy và rừng trên địa bàn huyện Krông Chro ngày càng kiệt quệ.