Các bệnh thường gặp ở trẻ vị thành niên

Các bệnh thường gặp ở trẻ vị thành niên
Thống kinh, rong kinh – rong huyết… là những bệnh hay gặp ở bé gái khi bước vào tuổi dậy thì với các biểu hiện: xanh lướt, mệt mỏi, trí nhớ sút kém…

Các bệnh thường gặp ở trẻ vị thành niên

> Bệnh hay gặp ở bé gái tuổi dậy thì

Thống kinh, rong kinh – rong huyết… là những bệnh hay gặp ở bé gái khi bước vào tuổi dậy thì với các biểu hiện: xanh lướt, mệt mỏi, trí nhớ sút kém…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa . Ảnh: Internet

Thống kinh

Thống kinh là triệu chứng đau quặn thắt ở vùng bụng dưới (đôi khi còn kèm thêm đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy) khi hành kinh. Có khoảng 60 - 70% bé gái trong 3 năm đầu hành kinh bị triệu chứng này, không có gì nguy hiểm nhưng làm cho 14 - 20% phải nghỉ học, gây lo lắng, thiếu tự tin cho trẻ.

Nguyên nhân: trong chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin (từ giai đoạn tăng sinh đến giai đoạn chế tiết cuối vòng kinh) càng tăng cao hơn nữa trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu. Trường hợp này, gọi là thống kinh nguyên phát. Cũng có khi do thiếu vi chất (ví dụ thiếu canxi) hoặc do các bệnh lý khác. Trường hợp này, gọi là thống kinh thứ phát.

Thuốc thường dùng:

- Các hormone: hormone nữ progesteron, estrogen làm cho sự phát triển của niêm mạc tử cung kém đi, ức chế sự tổng hợp prostaglandin dẫn đến làm giảm đau. Thuận tiện nhất là dùng các thuốc tránh thai có chứa hai hormone này. Do cơ chế ấy, cần uống thuốc trước khi có kinh 2 - 3 ngày, nếu quên thì uống ngay sau khi thấy có giọt kinh đầu tiên.

- Các thuốc hướng cơ: cơn đau hành kinh là do co thắt. Thuốc làm giảm co thắt nên làm giảm đau.

- Các kháng viêm không steroid: thuốc ức chế sản sinh ra prostaglandin ( một yếu tố gây đau) nên làm giảm đau.

Rong kinh, rong huyết

Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục (không phải do kinh nguyệt) kéo dài hơn 1 tuần. Khi kinh nguyệt kéo dài, máu kinh không đông, lượng máu ra nhiều vào giữa đợt có kinh, rong kinh kéo dài hơn 15 ngày, gọi chung là rong kinh – rong huyết.

Nguyên nhân: khi vào tuổi dậy thì, có trẻ trong vòng 2 - 3 năm đầu, chu kỳ hành kinh không ổn định: estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn. Progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. Nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu dài ngày gọi là rong kinh. Trường hợp này gọi là rong kinh do hormone. Có khoảng 70% rong kinh ở tuổi dậy thì do hormone.

Thuốc điều trị với loại rong kinh do hormone:

- Nếu nhẹ (máu ra ít, không thiếu máu): không cần điều trị.

- Nếu trung bình (máu vẫn ra ít nhưng thiếu máu): dùng loại viên ngừa thai (vỉ có 21 viên) có chứa estrogen và progesterone. Thuốc làm cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Liều thường dùng: dùng trong 3 tháng. Sau đó chuyển sang dùng progesteron (tiêm vào ngày thứ 14 - 28 của chu kỳ kinh).

- Nếu rong kinh rong huyết tương đối nặng (máu ra nhiều, thiếu máu): vẫn dùng viên ngừa thai trên nhưng dùng liều gấp đôi (sáng 1 viên, tối 1 viên). Khi dùng liều cao như vậy thì lần hành kinh đầu tiên sau đợt dùng thuốc sẽ ra nhiều máu nên phải dùng vỉ thuốc ngừa thai thứ hai ngay sau khi thấy kinh lần đầu tiên.

- Nếu rong kinh rong huyết nặng (máu ra nhiều gây mất máu cấp tính):

tiêm estrogen hay uống estradiol để làm ngừng sự chảy máu cấp. Sau khi dùng 24 giờ mà máu vẫn ra, cần nghĩ đến nguyên nhân khác. Sau đó tiêm progesteron hay tiêm testosteron.

Tiêm progesteron (vào ngày thứ 14 - 28 của chu kỳ kinh) làm cho việc giảm progesteron không quá đột ngột, tiêm testosteron (vào ngày thứ 1 - 14 của chu kỳ kinh) là dùng hormone nam trung hòa bớt hormone nữ. Cả hai cách đều làm cho việc chảy máu ít đi và ngừng lại.

Thiếu máu nhược sắc

Có khoảng 20 - 25% bé gái vị thành niên thường bị chứng xanh xao (thiếu máu nhược sắc), trong y học gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”.

Nguyên nhân: ngay khi chu kỳ hành kinh bình thường thì bé gái đã bị mất sắt do hành kinh, nên ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở bé gái cao (2,4mg/ngày) gấp đôi bé trai (1,1mg/ ngày). Trong vài năm đầu chu kỳ kinh, hầu hết bé gái có chu kỳ kinh không ổn định: ngày có kinh kéo dài hơn một tuần (gọi là rong kinh) hay kinh nguyệt kéo dài, máu kinh không đông, lượng máu ra nhiều vào giữa đợt có kinh, ngày có kinh kéo dài hơn 15 ngày (gọi chung là rong kinh - rong huyết).

Rong kinh và rong kinh - rong huyết làm cho bé gái mất nhiều máu hơn nữa và nhu cầu sắt còn cao hơn nữa... Ở lứa tuổi học sinh, có 80 100% các em bị nhiễm giun đũa, giun móc (có một số vùng còn bị nhiễm giun tóc). Giun lấy các chất dinh dưỡng, gây tổn thương niêm mạc ruột, làm mất máu. Có những bé bị bệnh đường ruột làm cho việc hấp thu sắt giảm sút. Trong khi đó, trong gia đình, bé gái cũng ăn uống như bé trai, thậm chí có bé gái còn ăn uống ít hơn. Do vậy, bé gái dễ bị thiếu sắt (thiếu máu nhược sắc) hơn bé trai.

Thuốc và ăn uống: nếu trẻ bình thường chỉ cần chế độ ăn thích hợp. Sắt trong thức ăn thực vật ít hơn trong động vật, trong động vật sống dưới nước (thủy hải sản) ít hơn trong động vật sống trên cạn (gia súc, gia cầm). Cơ thể hấp thu 10 - 15% sắt trong thức ăn động vật, nhưng lại chỉ hấp thu 5% sắt trong thực vật. Thức ăn giàu phospho gây kết tủa sắt, làm giảm sự hấp thu sắt, trong khi thức ăn chứa vitamin C làm tăng độ tan của hợp chất sắt, làm tăng sự hấp thụ sắt.

Như vậy, phải chọn thức ăn giàu sắt và dễ hấp hấp thu. Trong thực tế, nên ăn cả thức ăn động vật và thực vật, khi ăn nên có thêm chanh (có chứa vitamin C). Khi muốn bổ sung thuốc chứa chất sắt, tốt nhất nên dùng loại viên sắt phối hợp với acid folic (vì acid folic cũng rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này). Mỗi tuần, uống 1 viên sắt chứa 60mg sắt nguyên tố. Mỗi năm dùng trong 16 tuần, rồi nghỉ, đến năm sau sẽ uống tiếp. Nếu có điều kiện nên dùng viên hỗn hợp nhiều vitamin có chứa sắt và các yếu tố vi lượng khác.

Nếu trẻ bị bệnh gây thiếu sắt, cần phải chữa các bệnh đó. Ví dụ: trẻ mắc giun cần phải tẩy giun. Do bị giun là phổ biến lại hay tái nhiễm, nên 6 tháng cần tẩy một lần. Chữa rong kinh, rong huyết (bệnh ở loại trung bình, nặng mới cần chữa như nói trên). Chữa các bệnh trên không khó và cũng không quá tốn kém.

BS. Thu Hương
Theo Sức khỏe & đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG