Kết nối hai miền Nam - Bắc
Gia nhập Hải quân nhân dân Việt Nam nhiều năm nay, được mệnh danh là “hố đen đại dương” và được bộ đội tàu ngầm đặt biệt hiệu là những chú “cá voi” trong lòng Biển Đông, 6 chiếc tàu ngầm hiện đại lớp Kilo 636 đã trở thành vũ khí hữu hiệu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Chín ở Xưởng sản xuất và chế thử, Viện Kỹ thuật Hải quân - nơi chế tác những mô hình “cá voi” đặc biệt này, cho biết: Mô hình tàu ngầm Kilo 636 được sản xuất nhằm giới thiệu về hình ảnh, mô tả chiếc tàu ngầm hiện đại thu nhỏ cho cán bộ, chiến sỹ trong Quân chủng, Quân đội và người dân cả nước. Đồng thời, qua đó nhằm nâng cao sự hiểu biết, nhận thức về các loại vũ khí, trang thiết bị mới, hiện đại, cũng như đánh dấu sự trưởng thành, phát triển và quá trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
“Những mô hình được chế tác kỳ công và đầy tâm huyết này mang thông điệp những người lính chúng tôi luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng đồng bào và những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch”.
Thượng tá TRẦN VIẾT NĂNG, Trưởng ban Thanh niên Quân đội
Theo Thiếu tá Chín, mô hình tàu ngầm Kilo 636 được thiết kế trên công nghệ máy in 3D và được chế tạo bằng vật liệu PLA. Thời gian sản xuất, hoàn thiện một mô hình mất khoảng 7 ngày. Quá trình thực hiện các mô hình tàu ngầm thì công đoạn khó nhất là dựng bản vẽ 3D vì đòi hỏi tuyến hình, kiểu dáng phải đúng quy chuẩn, kích thước phải chính xác, sau đó đến các chi tiết lắp ráp lên khung hình, thân của tàu ngầm. Do đó đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm và sự khéo léo, tính chính xác về mặt kỹ thuật từ việc sản xuất các mô hình tàu chiến đấu trước đó và sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, thợ kỹ thuật. Hiện nay, Xưởng sản xuất và chế thử thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân đã thiết kế, sản xuất được nhiều loại kích cỡ của mô hình, từ 380mm đến 1.000mm.
Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội chia sẻ, hai chiếc mô hình tàu ngầm Kilo 636 do tự tay cán bộ, ĐVTN Viện Kỹ thuật Hải quân chế tác được mang tên hai chiếc tàu ngầm đầu tiên trong số 6 chiếc tàu ngầm của Hải quân nhân dân Việt Nam là 182-Hà Nội và 183-TPHCM, với ý nghĩa đại diện, kết nối hai miền Nam - Bắc của đất nước.
Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội giới thiệu 6 mô hình xe tăng độc đáo với Ban tổ chức chương trình “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch COVID-19”. ẢNH: HOÀNG MẠNH THẮNG |
“Để góp phần chung tay với chương trình hướng về tuyến đầu do báo Tiền Phong tổ chức, Ban Thanh niên Quân đội đã phát động tuổi trẻ các đơn vị trên thực hiện sáng kiến chế tạo và gửi tặng các mô hình trong thời gian rất ngắn. Cùng với những đồng đội trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu, cán bộ, ĐVTN toàn quân nói chung và tuổi trẻ Quân chủng Hải quân, Binh chủng Tăng thiết giáp và Quân chủng Phòng không - Không quân luôn mong muốn đóng góp vào công cuộc chống dịch của cả nước bằng nhiều phương thức, cách làm thiết thực và sáng tạo”, Thượng tá Trần Viết Năng nói.
Tài hoa lính xe tăng
Với tinh thần “thần tốc” trong chống dịch COVID-19, 6 chiếc mô hình xe tăng T54, T55, T-72B3 và T90 đã được chế tác hoàn toàn thủ công từ nhiều nguyên vật liệu độc đáo trong thời gian ngắn để gửi tới chương trình gây quỹ. Đây là tâm huyết của những cán bộ, ĐVTN các đơn vị trong Binh chủng Tăng thiết giáp (TTG), gồm: Đoàn cơ sở Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG; Đoàn cơ sở Trung tâm huấn luyện tổng hợp TTG.
Mô hình xe tăng T90 do Đoàn cơ sở Kho Y, Cục Kỹ thuật Tăng thiết giáp chế tác. ẢNH: HOÀNG MẠNH THẮNG |
Các mô hình xe tăng này được chế tạo thủ công trong thời gian từ 6 đến 10 ngày đối với một mô hình. Nguyên vật liệu để hình thành nên một chiếc xe tăng mô hình gồm các loại vỏ đạn K54, vỏ đạn tiểu liên AK, keo nến, keo sắt, sắt ống, tôn kẽm, sơn bóng, sơn nhũ, bộ xếp hình lego…
Đại úy Nguyễn Văn Hoàng, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Trường Trung cấp Kỹ thuật TTG cho biết, đơn vị chế tác 2 chiếc mô hình T55 (loại xe tăng phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện cơ bản hiện nay) và T-72B3 (loại xe tăng mà các chiến binh Việt Nam sử dụng tại thao trường Alabino ở Liên bang Nga trong khuôn khổ Army Games và xuất sắc giành huy chương Vàng năm 2020).
“Để liên kết hàng trăm chi tiết với nhau khi chế tạo mô hình, đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo, nhiều kinh nghiệm để hoàn thành. Bởi chỉ cần sai lệch về độ dày, độ dài thì sản phẩm sẽ bị mất cân đối, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của xe tăng. Đơn cử như quy trình làm tháp pháo là tốn nhiều thời gian và công sức nhất vì phải cắt ghép từng chi tiết nhỏ như nòng pháo, súng 12,7mm, kính ngắm, lắp cửa, giáp chống đạn, thiết bị thông tin liên lạc... Sau đó mô hình được đem chà bóng bằng giấy nhám, sơn phủ lên lớp sơn lót, sơn tạo màu”, Đại úy Nguyễn Văn Hoàng nói.
Theo Trung tá Hà Đức Quân, Trưởng ban Công tác Quần chúng, Binh chủng TTG, các mô hình được gửi tặng chương trình “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch COVID-19” là những hiện vật tượng trưng cho truyền thống hào hùng của Bộ đội TTG trong 62 năm xây dựng, trưởng thành (10/1959 - 10/2021). Đó là những chiếc T54, T55 với kíp xe 4 người cùng khối lượng chiến đấu thực tế hơn 36 tấn, trang bị pháo 100mm, súng máy song song 7,62mm PKT, súng máy phòng không 12,7mm đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Tây Nam và phía Bắc. Hay chiếc T-72B3 có khối lượng chiến đấu gần 47 tấn cùng biên chế kíp xe 3 người trang bị cả tổ hợp tên lửa cho tới T90 là dòng xe tăng hiện đại nhất được biên chế trong Quân đội ta hiện nay với kíp xe 3 người, khối lượng chiến đấu hơn 47 tấn cùng nhiều trang bị bổ sung có tính năng vượt trội trên chiến trường…