Cả tấn nầm lợn thối “bốc hơi” sau khi tiêu hủy ở Bắc Giang

Hiện trường vụ “trộm” một tấn nầm lợn thối.
Hiện trường vụ “trộm” một tấn nầm lợn thối.
Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ một tấn nầm lợn thối được lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đưa đến bãi xử lý rác thải để tiến hành tiêu hủy vào chiều 5.5. Tuy nhiên, sau khi chôn lấp xong khoảng nửa tiếng, toàn bộ số hàng này đã “bốc hơi”, đến nay vẫn chưa rõ tung tích.

Vụ việc hy hữu

Theo thông tin, vào tối 4.5, trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, đội QLTT và chống hàng giả (Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang) đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tỉnh, phát hiện bắt giữ chiếc xe ôtô biển kiểm soát 89C - 02815 do Lương Đình Quang (SN 1986, trú tại Tân Việt, Yên Mỹ, Hưng Yên) là lái xe kiêm chủ hàng đang trên đường vận chuyển từ Lạng Sơn về Hưng Yên tiêu thụ.

Trên xe chở khoảng 1 tấn nầm lợn đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc, không có chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối. Chiều 5.5, số nầm lợn này được đưa sang bãi xử lý rác thải thuộc phường Đa Mai, TP.Bắc Giang để đốt và chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 giờ, toàn bộ số nầm lợn đã “bốc hơi” khỏi nơi chôn lấp.

Theo báo cáo mà Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang gửi đến các cơ quan chức năng, 1 tấn nầm lợn chôn lấp đã bị đào và vận chuyển đi nơi khác, trong hố chôn chỉ còn vài kilogram nầm lợn rơi vãi. Vụ “trộm” hy hữu này khiến dư luận hết sức hoang mang.

Theo thông tin chúng tôi nhận được, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang vẫn đang đổ lỗi cho nhau. Đội QLTT cho rằng mình đã hết trách nhiệm sau khi tiêu hủy còn đội xử lý bãi rác thì nói mình không được trả lương để làm việc đó. Cả tấn nầm lợn thối đến giờ vẫn không biết ở đâu? Liệu số nầm lợn này có quay lại các khu chợ, bàn ăn của các quán nhậu, nhà hàng đầu độc người tiêu dùng?

Đổ hắc ín vào đốt

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện CN sinh học và CN thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, ông cho biết: “Điều nguy hiểm này thì ai cũng biết được bởi thực phẩm khi bị thối có rất nhiều vi sinh vật tấn công tạo ra mùi thối. Đó chính là quá trình phân giải protein tạo ra amoniac (khí nitơ) vi sinh vật cực kỳ lớn, gây ngộ độc cho người sử dụng. Khi vi sinh vật đi vào cơ thể, nặng có thể ngộ độc kể cả khi đã xử lý, nấu chín, nhẹ cũng gây tổn thương cơ quan tiêu hóa, các chất độc tích tụ lâu dần có thể trở thành bệnh nguy hiểm”.

Đó là chưa kể đến việc số thực phẩm này đã được đưa đi tiêu hủy tại bãi rác nơi có vô số vi sinh vật độc hại, mức độ nguy hiểm càng nhân lên, rồi đất, cát, rác bẩn lẫn từ khu rác thải vào thực phẩm… “Vì vậy, theo tôi, khi đưa đi tiêu hủy, cần cho các chất có mùi hôi, hắc khó chịu. Nhất là dùng hắc ín tưới lên rồi đốt cháy nham nhở trước khi chôn lấp”, vị chuyên gia này hiến kế.

Ông cho biết, Nghị định 178/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm đều định khung sẵn, tuy nhiên không có cơ sở khoa học, dễ dẫn đến tình trạng khó răn đe người vi phạm, đồng thời sẽ dẫn đến sự máy móc trong việc xử phạt của cơ quan chức năng. 

Việc xử phạt là đúng nhưng để đảm bảo tính công bằng và đủ sức răn đe đối tượng vi phạm thì phải có cách xử lý linh động hơn. Ví dụ như trong vụ việc cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện và bắt giữ một tấn nầm lợn thối đem đi tiêu hủy. Thứ nhất, cần tính giá trị của lô hàng nhân với giá thị trường hiện tại 160.000/kg x 1.000kg = 160 triệu đồng. Số này sẽ nhân với 7, 8 thậm chí 10 lần, để tính số tiền phải nộp phạt mới vừa đủ sức răn đe vừa đảm bảo tính công bằng.

Ngoài ra, phải yêu cầu chính những đối tượng vi phạm tự tiêu hủy dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng, trước sự có mặt các cơ quan truyền thông, báo chí. Chi phí tiêu hủy buộc đối tượng vi phạm phải chi trả toàn bộ. Tôi nghĩ, nếu làm được như vậy, cơ quan nhà nước vừa dễ trong việc xử lý vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến phức tạp.

Qua vụ việc này, dư luận đặt ra nghi vấn, liệu có sự thông đồng giữa các cơ quan chức năng và người vi phạm hay không!? Nhất là những cơ quan thực thi việc tiêu hủy thực phẩm bẩn. Để đảm bảo sức khỏe nhân dân, nhất là ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng diễn biến phức tạp, đề nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc điều tra, làm rõ, để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.