Ca sĩ Thu Hằng: Dân gian kiểu trẻ

Quán quân U20 check in cùng bạn.
Quán quân U20 check in cùng bạn.
TP - 20 tuổi trở thành quán quân trẻ nhất Sao Mai 2015, Nguyễn Thu Hằng hát nhạc dân gian nhưng bằng chất trẻ của riêng cô, khiến chất đương đại rõ ràng hơn.

Thu Hằng thi Sao Mai lần đầu, đỗ ngay quán quân, là điều cô không ngờ tới. Chưa hề chuẩn bị cho sự nổi tiếng, vương miện được trao đột ngột khiến cô gái vừa qua tuổi teen stress một thời gian. Giải thưởng bắt cô lần đầu đối mặt với những lắt léo của tình cảm. Mất đi nhiều người bạn. Hằng kể: lúc đó rất ngợp. Sợ nữa. Không biết mình có ứng phó được không. Không biết sẽ phải làm những gì để “vừa” với ngôi vị mới. Chỉ biết một điều rõ ràng: mình đã không thể sống như ngày hôm qua!

Nhiều đàn anh đàn chị đánh giá cao nỗi sợ ấy của Hằng. Một thầy giáo trong Nhạc viện Quốc gia nhận xét: không phải ai cũng đủ bình tĩnh để không bị hào quang lấn át và cuốn đi. Sự nổi tiếng vốn là một thứ ma túy gây ảo giác. Biết sợ nó, mới không bị nó chi phối. Không nhiều ca sĩ trẻ làm được như Hằng”.

Hằng dành hơn một năm để tự hỏi mình: sẽ tiếp tục hát theo cách mình thích hay chiều theo thị hiếu khán giả? Câu trả lời sau nhiều lần nâng lên đặt xuống là hát theo ý mình. Thực ra, đây cũng không phải là đột phá gì mới, Hằng vẫn luôn chọn cách ấy kể từ khi bắt đầu thi Sao Mai. Trần Thùy Trang - một fan “bự” của Hằng cảm thán: “may là Hằng chọn cách của riêng, khán giả có cơ hội nghe thêm một thứ âm nhạc dân gian xịn nhưng khác biệt ở chỗ trẻ trung. Nói thật, trước nay tôi thích nghe dân gian nhưng ít kiên trì được. Phần vì các cô các chú hát chuẩn chỉnh, già dặn quá, không thì lại da diết, day dứt quá. Tôi cứ thấy nó thiếu một đường link nào đó với thế hệ 9X và sau 9X. Thì Hằng hát ra cái link đó! Có cái dịu dàng đằm thắm, lại vẫn có cái tưng tửng, nhẹ nhõm, thậm chí cả cái tươi vui bồng bột chỉ có khi người ta trẻ”.

Chất đương đại trong cách hát dân gian của Hằng manh nha từ thời thi Sao Mai. Cô lý giải, bởi vì không bị bất cứ áp lực nào nên thích gì làm nấy, và làm đến cùng. Trong đêm chung kết, các thí sinh đa phần chọn các ca khúc nổi tiếng, thì Hằng chọn “Vọng quốc” một ca khúc của nhạc sĩ Huỳnh Tú mang âm hưởng Tuồng, được đánh giá là rất khó thể hiện, ngay cả với những ca sĩ lão luyện.

Tiết mục của Hằng được nhạc sĩ Giáng Son, thành viên Ban giám khảo Sao Mai 2015 nhận xét: “Nhiều thí sinh chọn ca khúc rất hay, nhưng đều là những bài được hát nhiều lần tại Sao Mai. Tiết mục của Thu Hằng dù có một số lỗi, nhưng tổng thể chúng tôi đánh giá rất cao sự đầu tư chọn ca khúc, trang phục, vũ đạo... Và đặc biệt đánh giá cao tinh thần dũng cảm của Thu Hằng, vì chọn ca khúc mới đồng nghĩa được ăn cả, ngã về không. Đó là tiết mục trẻ trung, duyên dáng, rất đáng yêu”.

Hằng lý giải về cái sự trẻ trung, dễ chịu trong cách hát dân gian, có thể bởi cô không gồng cố: hiểu đến đâu, hát đến đấy! Bây giờ Hằng vẫn giữ nguyên tắc ấy: cảm đến đâu, phiêu đến đó. Không việc gì phải căng cứng những cảm xúc không thuộc về mình. Nhiều khán giả trẻ comment họ thích Hằng vì lẽ ấy!

Ở Học viện âm nhạc quốc gia, Hằng học thính phòng, nhưng không che giấu sự hâm mộ với nhiều ca sĩ thị trường. Cô kể, thích Mỹ Tâm từ nhỏ, mê Hồ Ngọc Hà bởi “cảm xúc chị Hà đặt vào bài hát rất dày”, “lên những nốt cao đến phát sợ”, “cực kỳ quyến rũ trên sân khấu”. Hằng nghe Tóc Tiên, Sơn Tùng MTP… không nặng nề chuyện phân biệt kinh viện và giải trí. Khi cô nói: muốn tạo ra thứ âm nhạc của mình, thì Hằng đã lặng lẽ, thậm chí “lì lợm” (như lời chị gái Bích Hồng – giảng viên Học viện âm nhạc quốc gia) dò dẫm từng bước một với tinh thần của người khởi nghiệp chứ không phải dựa vào bệ phóng Sao Mai.

Ca sĩ Thu Hằng: Dân gian kiểu trẻ ảnh 1 NSND Thu Hiền (phải) nói rằng bà ngạc nhiên khi Thu Hằng ra album nhạc Phật và nghe Hằng hát bà thấy nhẹ nhõm, bình an.

Hằng mê nhạc dân gian, tìm đến tận nhà NSND Thu Hiền để được kèm cặp trực tiếp. Hàng ngày chạy vòng quanh trường học, phòng thu, nhà cô giáo, “nhiều khi ra ngoài đường mà muốn quỵ xuống” nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ. Hằng bảo, cô rất hay đi thu, có thể nói là nghiện thu âm, bởi thu âm khiến cho việc học rất nhanh tiến bộ. Nghe lại mỗi bản thu đều có thể nhìn ra ưu, khuyết của mình trong vài nốt nhạc. Thu đi thu lại, rồi thể nào cũng sẽ tìm ra cách hát khác, hoặc là mò ra phong cách mà mình muốn.

Ngày 1/4/2018 vừa qua, Hằng ra mắt album nhạc Phật có tên gọi Hương đạo, được dân trong nghề đánh giá là ca sĩ nhỏ tuổi nhất làm album ở dòng nhạc này. Tất nhiên, cô gái 23 tuổi không làm album vì những cái nhất, đơn giản chỉ bởi thích. Hằng luôn nhấn mạnh lý do “thích mới làm” trong tất cả những lựa chọn âm nhạc của cô.

Trước đó, “Trong” album đầu tay của cô đã lọt vào bảng đề cử “Album của năm” của giải Cống hiến, được đánh giá: “Sự trong trẻo trong giọng hát, chất nhạc, trong các ca khúc phù hợp với tuổi đôi mươi đầy sức sống… đã khiến album của Thu Hằng trở nên khác biệt và không lạc lõng khi đứng cùng các ca sĩ đàn anh, đàn chị”.

Ngay sau đó, “Trong” trở thành bản “hit” có lượt nghe khá cao, trong ba ngày phát hành đầu tiên đã có 1 triệu lượt nghe, được yêu thích vì tính chất độc lạ cũng như thanh thoát của nó. Theo BTC giải Cống hiến, “Trong” có thể xem là album trong trẻo hiếm có của nhạc Việt, cùng với đó, màu sắc điện tử pha nhẹ với chất dân gian đã tạo nên một sự khác biệt cho album này”.

MỚI - NÓNG
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.