Chút hương vị xưa nơi quê nhà
Từ mấy chục năm nay, nghe bà con bạn bè kể chuyện, rôm rả sau những chuyến đi về thăm nhà, thăm quê rằng thì là ăn và chơi ở quê nhà bây giờ là nhất. Là sướng nhất không đâu sánh bằng. Rồi tràn ngập trên mạng xã hội nào là tôm, cua, cá khủng... Rồi nào là thịt trăn, thịt rắn, thịt chuột, thịt chó cũng choáng luôn. Rồi là mít, sầu riêng, bưởi lê cam táo to và đẹp lạ. Chẳng biết thực hư ra sao vì ngay bên cạnh hình ảnh những bữa cơm gà cá gỏi ê hề là thông tin về những chuyến xe chở đầy thịt thối đã bốc mùi không rõ xuất xứ. Tôm cua cá gà vịt được chích thuốc cho tươi cho mập. Sầu riêng, mít, chuối... cũng nhúng thuốc cho mau chín.Vậy mình ăn vào có cơ hội chín luôn mà không hiểu vì sao mình chín. Không biết bắt đền ai. Mọi người vẫn ăn và mọi người vẫn sống. Vô tư thôi.
Còn tôi, bạn tôi thường hỏi tôi thưởng thức những món ăn gì mỗi lần về Việt Nam. Câu trả lời của tôi không đúng với những gì mọi người nghĩ và muốn. Hỏi để xem có cùng một lựa chọn không. Hoàn toàn khác. Không giống ai.
Ngày xưa có lúc trong 4 năm, tôi chỉ được ăn 6 tô phở gà mà thôi, tôi mê phở nhưng chồng sợ vợ béo nên tôi thường ngồi ngoài xe đọc báo chờ chồng ăn phở xong chở về. Thế cũng coi như được chồng chở đi chơi, đi ăn. Cái này Quang Thành gọi là ăn không khí à chị? Rồi suốt quãng thời gian dài mỗi lần về đến Hà Nội, một tuần 7 ngày tôi alo cho Quang Thành (*): Dậy thôi, ăn bánh cuốn em. Riết rồi Quang Thành khiếp bánh cuốn luôn, ăn mà nhăn như bị ép uống thuốc Bắc vậy. Tôi từ chối khách sạn nhiều sao, ở khách sạn nhỏ, ngõ quen này chỉ vì bên trái có tiệm bánh cuốn, bên phải đối diện quán phở gà kiểu xưa. Vào đến Sài Gòn. Quang Thành lo lắng: Chị ăn gì chị. Bánh mì. Mà bánh mì không nhân. Chỉ có sauce mayonnaise chính hiệu made in vietnam thôi. Ngày hai ổ bánh mì Hùng rùa, Thành cũng sợ hãi cái sự ăn uống của tôi, sợ luôn bánh mì như khiếp bánh cuốn. Có hôm khỏi lo cho chị luôn vì trong phòng thủ sẵn ngô luộc, khoai lang mật Đà Lạt, mấy vỉ cóc chín vậy cũng hết ngày. Hôm nào đi hát khuya hoặc quay hình, họp báo suốt ngày nắng, về tối mấy đứa hỏi chị muốn ăn gì nữa không. Và được thưởng bát hủ tíu sườn lề đường Nguyễn Công Trứ vừa ăn vừa sẵn sàng trả chỗ nếu chủ quán báo mưa hoặc đội trật tự lòng đường ập đến.
Vậy thôi. Chị ăn mít không, ăn sầu riêng, măng cụt không? Nhưng chỉ có sau show hát thôi nhé chị, vì phải giữ giọng, giữ dáng không làm đau áo dài, Quang Thành nói thế. Toàn những món thèm chết người nhưng tự nhiên lại không được ăn, phải kiêng. Chỉ nên ăn dứa, uống nước mía. À nếu ăn cơm thì xin cho canh cua khoai sọ, rau nhút đúng không. Đó là những món ăn chính của tôi trong suốt những ngày rong ruổi cùng “Vòng tay nhân ái” ở Việt Nam, chưa kể tuyệt cú mèo đậu bắp chấm chao. Nuôi tôi dễ quá còn gì, tôi biết phận nên không buồn khi ai đó có yến tiệc linh đình bỏ sót tên tôi. Thế cho nên thịt thối, tôm ươn, mực chết mùi vị ra sao tôi không biết. Chỉ thấy lạ mắt khi nhìn thấy trứng cút trong hầu hết những tô bún và cả trứng vịt lộn trong lẩu nữa. Lạ quá. Lạ nên không dám gọi sợ ăn không quen, bỏ mứa mang tội. Hay vì tôi chỉ muốn tìm lại chút hương xưa ngày thơ ấu như khi đứng ở đường Tự Do xưa ngâm ngùi nhìn hút về cuối đường nơi Đức Mẹ đã đứng trăm năm.
Phụ nữ Việt Nam đẹp lắm
Không hiểu từ bao giờ, đàn bà, con gái Việt Nam lại đẹp thế. Vì sao da trắng thế. Vì sao chân dài thế. Ngày xưa hiếm gặp thấy đàn bà đẹp. Có kịp để cho ai thấy đâu. Nhà nào có con gái, không cần phải đẹp lắm như bây giờ thì ngay lập tức bà mẹ trở thành cai ngục, kèm con như kèm kem để rồi bác sĩ, kỹ sư, luật sư, ông to ông lớn tới rước đi. Bây giờ mọi người... văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình. Đến lúc được “kỳ hình” thì đã trở thành thiếu phụ.
Vì nhiều người đẹp nhu cầu trở thành Hoa Hậu, nhu cầu tổ chức tìm kiếm, chọn lựa người đẹp nhất nước bỗng quá tải. Bên cạnh hương phấn người đẹp bỗng thoang thoảng mùi tanh của tiền kèm theo những chuyện cười ra nước mắt. Cuối năm 2018, Việt Nam sốt lên vì bóng đá, vì hoa hậu. Bóng đá mà thắng: Bão. Thua thì ở đâu cũng có... sông, có cầu. Hoa Hậu thì tràn ngập tiếng cười người thắng, nước mắt người thua. Việt Nam mừng cho người đẹp Việt Nam đã đành, mà gần như cả thế giới vỗ tay khen thưởng người đẹp H’Hen Nie mới thích chứ.
Quang Thành hỏi chị cảm thấy sao. Sao là sao. Người ta đẹp và đủ tiêu chuẩn. H’Hen Niê lọt vào Top 5 là may mắn cho Hoa Hậu Phi. Lẽ ra ngôi vị Hoa Hậu Thế Giới đó phải là H' Hen Niê. Cô Phi Luật Tân đâu có bằng. Rất thường. Nhưng có lẽ vì H' Hen Niê là người Việt Nam. Tại sao chị nghĩ như thế. Nghĩ gì. Em không thấy những cuộc thi Hoa Hậu ngày càng nhàm chán sao. Mấy chục thân hình sàn sàn trên dưới 1,7m. Ba vòng gần như không chênh lệch. Tóc dài giống nhau dù quăn hay thẳng. Da trắng và mặt na ná như chị em cùng cha, cùng mẹ. Mình xem rồi thấy cô nào cũng là Hoa Hậu cả. Em hỏi H' Hen Niê có gì lạ à. Cái nhìn, đánh giá về cái đẹp của Tây Phương và Á Đông khác nhau, nhất là ở thời đại mọi người có triển vọng đi thăm chị Hằng. Vẻ mới lạ, như một con đường mới được khám phá, dẫu hoang sơ đầy bí ẩn lại chính là những cái hấp dẫn hứa hẹn nhiều hứng thú khác hẳn những con đường mòn nhàm chán tỷ tỷ người đã bước qua đến xác xơ không còn cho mình sự háo hức lựa chọn. Tại sao cứ phải da trắng tóc dài, người gầy gò trơ xương mới được coi là đẹp. Chính vẻ vô tư, mạnh mẽ, bất cần cái kiểu đây tôi thế đấy, được thì được, không thì thôi đầy tự tin của mái tóc tém bướng bỉnh đã cho cô gái vùng Cao Nguyên nụ cười tỏa nắng chinh phục mọi người. Kể cả những quốc gia luôn coi thường Việt Nam nói riêng và những nước nhỏ, nghèo nói chung đều bật ngửa ngỡ ngàng. Việt Nam à, Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới đã sản sinh ra một nhan sắc quý hiếm với vẻ hoang sơ thế này. Từ lâu, tôi vẫn trân trọng sự nhận xét, đánh giá của phương Tây trên mọi sự việc. Dĩ nhiên không phải cái gì họ đưa ra cũng 100/100 nhưng cũng không đến nỗi bẻ cong, bóp méo. Thế cho nên Quang Thành à, mình cùng hãnh diện đã có một H' Hen Niê gần như thuyết phục cả thế giới thừa nhận vẻ đẹp Việt Nam hôm nay.
Ca sĩ Khánh Ly
Hạnh phúc không xa, ngay trước mặt
Gần Tết rồi. Những ngày cuối năm lạnh. Ngồi một mình tẩn mẩn những thắc mắc của bạn bè. Mình hát mà có người nghe là hạnh phúc. Buồn vui có người chia sẻ là hạnh phúc. Mời mấy chục người khiếm thị đến nghe mình hát là Hạnh Phúc. Đến thăm thấy tận mắt những đứa trẻ 3 trong 1 vừa mồ côi, khuyết tật lại còn tâm thần, chia sẻ và được chia sẻ là Hạnh Phúc. Được đứng vòng tay hát ngợi ca Đức Mẹ là Hạnh Phúc... Con nghĩ đến những bạn con ở các buôn làng không được đến đây để được học cái chữ, được hát, còn được sữa, bánh... Và những giọt nước mắt của em bé vùng Cao Nguyên đã lặng lẽ rơi. Đó là hạnh phúc mình nhận được.
Một cái túi xách hàng hiệu đủ để cất cho các em thiếu may mắn một mái ấm nơi che nắng mưa hoặc những sợi dây cáp chắc chắn hơn giăng ngang sông suối cho các em tới trường. Một cái kính hiệu cũng đủ gạo cho các con no một tháng. Cứ nhớ như thế để phải nhắm mắt chân nhấc nhẹ qua những quầy hàng hiệu cao cấp bầy khắp các phi trường. Chị ơi xem qua thôi nhé sau này mua, tôi nghĩ chắc cũng chẳng có cái lần đầu tiên cũng như cái lần sau cùng như Quang Thành hứa, ăn kiêng rồi lại sống kiêng. Hai chúng tôi cứ tự hối hả lật đật ra máy bay cho kịp chuyến đúng hẹn với Viện bỏng, mái ấm, nhà hưu dưỡng mọi người đang chờ, đó là những phút giây hạnh phúc.
Một năm lặng lờ đi qua để lại bao nhiêu vui buồn vương vấn những ngày cuối năm. Ngày mai là ngày giỗ chồng tôi. Chiều mai tôi mở cửa đón Anh về. Anh sẽ cười và đưa cho tôi mấy tờ báo. Tôi gọt sẵn cho Anh trái bưởi. Cái cây bưởi tôi ươm bằng hột từ một trái quýt lượm được trên đường khi cùng Anh đi tập thể dục. Nó lớn lên lại thành cây bưởi. Lạ thế. 19 trái. Và đó là những trái bưởi cuối cùng chồng tôi đã ăn. Cây bưởi tôi trồng. Ai sẽ ăn mùa này mà không chảy nước mắt...
Em cứ đi. Cứ làm những việc em đã làm. Ở nơi đó có những mảnh đời không may, khiếm khuyết sẽ cho em Hạnh Phúc và những ngày sống có ý nghĩa… Dẫu cuộc đời không phải lúc nào cũng mầu hồng luôn cho ta mật ngọt, nhưng bông hoa mọc lên và nở giữa đổ nát hoang tàn sẽ cho em nụ cười bình an.
Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có ai muốn là hoàng hôn của đời mình? Tôi?
Chắc không!
Người điên trong thành phố
Tết 2019
___________
(*) Quang Thành: Ca sĩ, người em, người bạn của ca sĩ Khánh Ly – người thường theo giúp đỡ chị khi về Việt Nam